Monday, September 11, 2023

Tìm Hiểu Kinh Phụng Vụ


“Trong khi chu toàn nhiệm vụ tư tế của Đức Kitô, Giáo Hội cử hành phụng vụ giờ kinh, nhờ đó Giáo Hội lắng nghe Thiên Chúa nói với dân Ngài, tưởng nhớ mầu nhiệm ơn cứu chuộc, ca tụng Ngài không ngớt bằng lời kinh và khẩn cầu phần rỗi cho cả thế giới” (GL 1173)

“Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe. Anh em chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa, vì chính Người là dấu ấn ghi trên anh em, để chờ ngày cứu chuộc. Ðừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Ðức Ki-tô. “(Ep 4,29-32)

Giờ Kinh Phụng Vụ là lời cầu nguyện liên lỉ của toàn thể Hội Thánh để thánh hóa ngày giờ và toàn bộ sinh hoạt của con người. Cầu nguyện là nhiệm vụ chính yếu của các Kitô hữu vì Hội Thánh làm theo lời Chúa Kitô dạy là “phải cầu nguyện luôn, không được nản chí” (Lc 18,1).
 
Thật vậy, ngay từ thời các tông đồ, các tín hữu đã chuyên cần cầu nguyện vào những thời khắc nhất định. Sách Công Vụ kể các môn đệ họp nhau cầu nguyện vào giờ thứ ba (Cv 2,15), vị thủ lãnh các tông đồ “lên sân thượng cầu nguyện vào giờ thứ sáu” (10,9), ông Phêrô và ông Gioan lên đền thờ vào buổi cầu nguyện giờ thứ chín (3,1), “vào quãng nửa đêm, ông Phaolô và ông Xila cầu nguyện ca tụng Chúa” (16,25).

Dần dà với thời gian, “tại nhiều nơi đã sớm có thói quen dành những khoảng thời gian rõ rệt để cầu nguyện chung với nhau như vào giờ cuối ngày, khi trời tối và lúc lên đèn, hoặc giờ đầu ngày, lúc đêm tàn và ngày ló rạng” (KPV 1) để thánh hóa ngày sống của mình.

Những buổi cầu nguyện chung như thế dần dần tạo thành một chu kỳ giờ kinh nhất định, và đó là lời cầu nguyện của Hội Thánh cùng với Chúa Kitô và dâng lên Chúa Kitô. So với các cử hành phụng vụ khác, các Giờ Kinh Phụng Vụ có đặc điểm thánh hóa toàn bộ chu kỳ thời gian ngày và đêm, như lời thư gửi tín hữu Do Thái : “Nhờ Chúa Giêsu, chúng ta hãy luôn luôn dùng lời ca tụng làm lễ tế dâng lên Thiên Chúa” (Dt 13,15).

Các Giờ Kinh Phụng Vụ hiện nay được chia thành 5 giờ kinh khác nhau trong ngày, đó là kinh Sách, kinh Sáng, kinh Trưa, kinh Chiều và kinh Tối :

1 * Kinh Sách đề ra cho dân Chúa phương tiện phong phú nghiền ngẫm Kinh Thánh và những trang sách hay đẹp nhất của các nhà tu đức, cùng các Thánh Vịnh, thánh thi và lời nguyện.

2 * Kinh Sáng nhằm thánh hóa thời khắc ban mai khi bắt đầu một ngày mới để dâng lên Chúa những tác động đầu tiên của lòng trí chúng ta. Kinh Sáng được đọc vào lúc bình minh ló rạng để ca ngợi Đức Kitô Phục sinh là mặt trời công chính, là ánh sáng thật chiếu soi mọi người.

3 * Kinh Trưa là những giờ kinh nhỏ nằm giữa kinh Sáng và kinh Chiều, gồm các giờ kinh sau đây: kinh giờ ba (9 giờ sáng), kinh giờ sáu (12 giờ trưa) và kinh giờ chín (3 giờ chiều).Những ai sống đời chiêm niệm phải đọc chung với nhau ba giờ kinh Trưa này, còn những người khác được phép chọn một trong ba giờ kinh này vào những thời khắc phù hợp trong ngày.

4 * Kinh Chiều được cử hành vào lúc ban chiều khi ngày vừa xế bóng để tạ ơn những gì Chúa đã ban hoặc những việc lành chúng ta đã làm trong ngày. Kinh Chiều cũng nhắc nhớ đến công trình cứu chuộc của Chúa, và niềm hy vọng về ánh sáng không hề tàn lụi.

5 * Kinh Tối là “kinh cuối cùng trong ngày, đọc trước khi đi ngủ, dù đã quá nửa đêm”, để bày tỏ tâm tình thống hối và phó thác. Bóng đêm là hình ảnh của sự Ác và sự chết, thì kinh Tối là lời nguyện tin tưởng nài van, xin Chúa chúc lành cho một giấc ngủ bình an.

cgkpv

Trong 5 giờ kinh phụng vụ thì Kinh Sáng và Kinh Chiều là “hai giờ then chốt của kinh nguyện hằng ngày,nên phải coi như những giờ kinh chính yếu và vì thế không được bỏ qua” (KPV 37). Lời Chúa trong giờ kinh Phụng Vụ sáng nay thật ý nghĩa cho mỗi người chúng ta. Suy niệm từng câu từng chữ ta thấy đây là bài học Đức Ái mà Chúa mời gọi ta thực hành mỗi ngày.

III. CẤU TRÚC CỬ HÀNH GIỜ KINH PHỤNG VỤ.

“Các giờ Kinh Phụng vụ được quy định theo những luật lệ riêng, đặc biệt gồm những yếu tố thường gặp trong các buổi cử hành trong Kitô giáo và được sắp xếp như sau : là bao giờ cũng có Thánh Thi mở đầu, rồi đến Thánh Vịnh, đoạn một bài đọc Kinh Thánh dài hay ngắn và cuối cùng là các lời nguyện” (KPV 33).

IV. LUẬT BUỘC CỬ HÀNH CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ

“Hội Thánh đã đặc biệt ủy nhiệm cho những người có chức thánh phải cử hành Các Giờ Kinh Phụng Vụ, nên dù khi không có giáo dân, thì ai nấy đều phải chu toàn nhiệm vụ ấy, dĩ nhiên là với những sự thích nghi cần thiết. Quả vậy, Hội Thánh ủy nhiệm cho họ đọc các Giờ Kinh Phụng Vụ, để nhiệm vụ cầu nguyện của Đức Kitô được tiếp nối không ngừng trong Hội Thánh” (KPV 28).

Những người sau đây theo Giáo Luật (1174 $1) buộc phải đọc các giờ Kinh Phụng Vụ, không những đọc đầy đủ các giờ kinh mà còn phải cố gắng đọc cho phù hợp với giờ thật trong ngày, được chừng nào hay chừng đó (GL 1175) :

Đó là giám mục, linh mục, phó tế (phó tế vĩnh viễn cũng nên đọc mỗi ngày ít là một phần các Giờ Kinh Phụng Vụ), các kinh sĩ hội nhà thờ chính tòa (phải đọc trong cung thánh), những cộng đoàn tu sĩ có luật buộc đọc các Giờ Kinh Phụng Vụ (vd: Châu Sơn), những cộng đoàn tu sĩ khác cũng nên tùy nghi đọc một vài giờ kinh phụng vụ (vd: Mến Thánh Giá), và cả anh chị em giáo dân cũng được khuyến khích nên đọc một vài giờ kinh phụng vụ, như Kinh Sáng và Kinh Chiều (vd: Huynh đoàn giáo dân Đaminh).

TÍNH GIỜ KINH PHỤNG VỤ

Kinh Sáng:  Lúc 9:30 tối Việt Nam (trước giờ kinh thứ Nhất 1 tiếng)

Kinh Chiều: Lúc 9:00 sáng Việt Nam (trước giờ kinh thứ Hai 1 tiếng)

Cách mở sách đọc Mùa Thường Niên của 4 Tuần trong sách “Các Giờ Kinh Phụng Vụ”:

Thí dụ: Hôm nay ngày thứ Hai Tuần 26 Thường Niên,  Lấy 26 / 4 = 6 dư lại 2=> Đọc Thứ Hai & Tuần 2

Thí dụ: Hôm nay ngày thứ Năm Tuần 12 Thường Niên,  Lấy 12 / 4 = 3 dư lại 0 => Đọc Thứ Năm & Tuần 4

CÁCH CẦU NGUYỆN GIỜ KINH PHỤNG VỤ 
Kinh Sáng và Kinh Chiều

1) Phần Giáo Đầu (đứng):  

a. Giờ kinh Sáng được mở đầu bằng câu:

“Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con

Đáp lại: – Cho con cất tiếng ngợi khen Ngài”.

Sau đó đọc Điệp Ca (ĐC) theo ngày

Tiếp theo  Thánh Vịnh 94 (có thể thay thế một trong các Thánh Vịnh 99, 66 hay 23)

(Lưu Ý: Sau mỗi đoạn của Thánh Vịnh 94, 99, 66, 23 lập lại Điệp Ca theo ngày)

b. Giờ Kinh Chiều thì bắt đầu bằng câu:

“Lạy Chúa Trời, xin tới giúp con – Đáp Lại: Muôn lạy Chúa, xin mau phù trợ”.
(Cúi đầu) Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con,

cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa,

(ngẩng đầu lên) tự muôn đời và chính hiện nay,

luôn mãi đến thiên thu vạn đại. A-men. Ha-lê-lui-a.

(Mùa Chay: bỏ “Ha-lê-lui-a”.  Kinh chiều không đọc Thánh Vịnh giáo đầu)

2) Phần Thánh Thi (đứng):

(Lưu Ý: Không cần đọc kinh Vinh Danh sau Thánh Thi)

Kế nữa là một bài Thánh Thi mang tính thi vị và biểu lộ đặc tính của mỗi giờ kinh và mỗi ngày lễ.

3) Phần Ca Vịnh (Ngồi): (2 bài Thánh Vịnh và 1 bài Thánh Ca)

Bắt đầu bằng Điệp Ca của Thánh Vịnh hay Thánh Ca

Kết Thúc bằng kinh Vinh Danh….. và Điệp Ca

Trong các giờ kinh, Hội Thánh dùng các Thánh Vịnh là những bài thơ cổ xưa của Thánh Kinh Cựu Ước, cũng là Lời Chúa đã được Chúa Thánh Thần linh hứng, để giúp cầu nguyện. Những Thánh Vịnh này có sức nâng tâm hồn lên cùng Chúa, khơi động những tâm tình đạo đức thánh thiện, giúp tạ ơn khi gặp điều may mắn, niềm an ủi khi gặp nghịch cảnh. Tuy nhiên Thánh Vịnh cũng mới chỉ phác họa thời kỳ viên mãn nơi Chúa Kitô nên đôi khi cũng gặp những khó khăn khi các Thánh vịnh không trực tiếp nói với Chúa, hoặc những lời nguyền rủa quân thù… Nhưng Chúa Thánh Thần, Đấng đã linh hứng cho các tác giả Thánh Vịnh soạn ra những bài thơ ấy, lúc nào cũng ban ơn phù trợ giúp các tín hữu hát hay đọc các Thánh Vịnh.

Nếu muốn đọc Thánh Vịnh cho nghiêm chỉnh thì phải đọc mà nghiền ngẫm câu này tiếp nối câu kia, lòng lúc nào cũng sẵn sàng đáp ứng, vì Chúa Thánh Thần vẫn còn linh hứng cho tất cả những ai đạo đức sẵn sàng đón nhận ơn Người.

“Khi đọc Thánh Vịnh trong các Giờ Kinh Phụng Vụ thì ta không đọc nhân danh cá nhân, mà nhân danh Nhiệm Thể Chúa Kitô và có thể nói là đại diện cho chính Chúa Kitô nữa. Nếu nhớ như vậy, thì các khó khăn sẽ tan biến, khi thấy rằng những tâm tình sâu xa thầm kín của ta, lúc đọc Thánh Vịnh không trùng hợp với những tâm tình diễn tả trong Thánh Vịnh ; thí dụ, đang âu sầu, ảo não, lại gặp một Thánh Vịnh vui tươi, đang phấn khởi, lại gặp một Thánh Vịnh âu sầu” (KPV 108).

“Kinh Sáng gồm một Thánh Vịnh thích hợp với buổi sáng, rồi một thánh ca trích trong sách Cựu Ước, và một Thánh Vịnh nữa, thuộc loại ca ngợi, theo truyền thống của Hội Thánh. Kinh Chiều gồm hai Thánh Vịnh (hay hai đoạn, nếu Thánh Vịnh quá dài) thích hợp với bưổi chiều và thích hợp với việc cử hành chung với giáo dân, và một thánh ca lấy trong các thánh thư hoặc sách Khải Huyền” (KPV 43).

4) Phần Lời Chúa (ngồi):

Bài đọc vắn được chọn theo ngày trong tuần, theo mùa hay theo ngày lễ. Phải đọc và nghe bài này như đích thực là một bản công bố Lời Chúa” (KPV 45).

Để đáp lại Lời Chúa, thường có câu xướng đáp ngắn, để Lời Chúa ăn sâu hơn vào tâm trí.

Thí Dụ phần Xướng đáp
XÐ: Xin chúc tụng Ðức Chúa
* từ muôn thuở cho đến muôn đời.
X: Chỉ có Ngài làm nên những công trình kỳ diệu. *

Xướng:Xin chúc tụng Ðức Chúa từ muôn thuở cho đến muôn đời.

Đáp:Xin chúc tụng Ðức Chúa từ muôn thuở cho đến muôn đời.

Xướng:Chỉ có Ngài làm nên những công trình kỳ diệu.

Đáp:từ muôn thuở cho đến muôn đời.

Mọi người:Vinh Danh Chúa Cha và Chúa Con, cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa

Xin chúc tụng Ðức Chúa từ muôn thuở cho đến muôn đời.

5) Phần Thánh Ca Tin Mừng (đứng):

Sau đó long trọng (đứng và làm dấu thánh giá) đọc Thánh Ca Tin Mừng với câu Điệp Ca riêng theo ngày theo mùa.

Giờ Kinh Sáng đọc Thánh Ca “Benedictus” (Chúc tụng Đức Chúa).

Giờ Kinh Chiều đọc Thánh Ca “Magnificat” (Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa)

Sau phần Thánh Ca Tin Mừng đọc kinh Vinh Danh Chúa Cha và Chúa Con…
Đây là những thánh ca vẫn được Hội Thánh từ ngàn xưa ưa thích.

6) Phần Lời Cầu (đứng):

Sau thánh ca Tin Mừng là các lời cầu: buổi sáng là để dâng ngày và công việc cho Chúa, buổi chiều là để xin ơn, và lời nguyện cuối cùng bao giờ cũng dành để cầu nguyện cho những người đã qua đời.

7) Kinh Lạy Cha (đứng):

Lạy Cha chúng con ở trên trời……

8) Lời Nguyện (đứng): kết thúc cùng với lời ban phép lành và giải tán.

CẦU NGUYỆN :

Cúi lạy Chúa, mở cho con đôi mắt,

Thấy tình yêu kỳ diệu Chúa khắp nơi.

Con mù lòa, bên vệ đường hành khất,

Xin chữa con để nhìn thấy mặt Ngài.

Cúi lạy Ngài, cho tai con nghe rõ,

Tiếng tha nhân cầu khẩn lượng hải hà,

Họ khổ đau, họ kêu gào than thở,

Đừng để con cứ giả điếc làm ngơ.

Cúi lạy Ngài, xin mở rộng tay con,

Luôn nắm lại giữ khư khư tất cả,

Trước cửa nhà có người nghèo đói lả,

Xin dạy con biết chia sẻ vui lòng.

Cúi lạy Ngài, cho chân con vững chãi,

Để tiến lên dẫu đường xá hiểm nguy.

Nguyện theo Ngài, thập giá đâu quản ngại,

Chúa cầm tay mà dẫn bước con đi.

Cúi lạy Ngài, giữ lòng con tin tưởng,

Mặc ai bảo : Chúa đã chết đâu còn.

Khi chiều về gánh thời gian trĩu nặng,

Xin dừng chân ở lại với con luôn !

(Thánh thi Kinh Sách thứ Năm tuần II)

Kinh Phụng Vụ và Thánh Vịnh

Thánh vịnh 51: Lời sám hối của vua Đavít

Trong số các Thánh Vịnh do vua Đavít sáng tác có Thánh Vinh 51. Nó là thánh vịnh sám hồi nói lên tâm tình hối lỗi của vua Đavít, sau khi đã phạm tội ngoại tình với bà Bétsabêa, rồi thất bại trong âm mưu giấu tội của mình, nên ra lệnh sát hại Urigia chồng bà để đoạt vợ ông ta.Chương 11 sách Samuel I kể rằng:“Lúc xuân về, thời mà các vua ra quân, vua Ða-vít sai ông Giô-áp đi, cùng với các bề tôi của vua và toàn thể Ít-ra-en. Họ giết hại con cái Am-mon và vây hãm Ráp-ba. Còn vua Ða-vít thì ở lại Giê-ru-sa-lem.Vào một buổi chiều, vua Ða-vít từ trên giường trỗi dậy và đi bách bộ trên sân thượng đền vua. Từ sân thượng, vua thấy một người đàn bà đang tắm. Nàng nhan sắc tuyệt vời. Vua Ða-vít sai người đi điều tra về người đàn bà, và người ta nói: “Ðó chính là bà Bát Se-va, con gái ông Ê-li-am, vợ ông U-ri-gia người Khết.” Vua Ða-vít sai lính biệt phái đến đón nàng. Nàng đến với vua và vua nằm với nàng; khi ấy nàng mới thanh tẩy sau thời kỳ ô uế. Rồi nàng trở về nhà. Người đàn bà thụ thai. Nàng sai người đến báo tin cho vua Ða-vít rằng: “Tôi có thai.”

Vua Ða-vít sai người đến nói với ông Giô-áp: “Hãy sai U-ri-gia, người Khết, về gặp ta.” Ông Giô-áp sai ông U-ri-gia về gặp vua Ða-vít. Khi ông U-ri-gia đến với vua, vua Ða-vít hỏi thăm về ông Giô-áp, về quân binh, về chiến sự. Rồi vua Ða-vít bảo ông U-ri-gia: “Hãy xuống nhà của ngươi và rửa chân.” Ông U-ri-gia ra khỏi đền vua, có người bưng ra một phần thức ăn của nhà vua theo sau. Nhưng ông U-ri-gia nằm ở cửa đền vua với tất cả các bề tôi của vua, và ông không xuống nhà mình.

Người ta báo tin cho vua Ða-vít rằng: “Ông U-ri-gia đã không xuống nhà ông.” Vua Ða-vít hỏi ông U-ri-gia: “Chẳng phải ngươi đi đường xa mới về ư? Tại sao ngươi không xuống nhà của ngươi?” Ông U-ri-gia thưa với vua Ða-vít: “Hòm Bia cũng như Ít-ra-en và Giu-đa đang ở lều, chủ tướng tôi là ông Giô-áp và các bề tôi của hoàng thượng đang đóng trại ở ngoài đồng trống, mà tôi đây lại về nhà ăn uống và nằm với vợ tôi sao? Tôi xin lấy mạng sống của ngài, lấy chính mạng sống của ngài mà thề: tôi sẽ không làm điều ấy!” Vua Ða-vít bảo ông U-ri-gia: “Hãy ở lại đây hôm nay nữa, ngày mai ta sẽ cho ngươi đi.” Ông U-ri-gia ở lại Giê-ru-sa-lem ngày hôm đó. Ngày hôm sau, vua Ða-vít mời ông; ông ăn uống trước mặt vua, và vua cho ông uống say. Ðến chiều, ông ra nằm giường của ông cùng với các bề tôi của vua, nhưng không xuống nhà mình.

Sáng hôm sau, vua Ða-vít viết thư cho ông Giô-áp và gửi ông U-ri-gia mang đi. Trong thư, vua viết rằng: “Hãy đặt U-ri-gia ở hàng đầu, chỗ mặt trận nặng nhất, rồi rút lui bỏ nó lại, để nó bị trúng thương mà chết.” Ông Giô-áp đang thám sát thành liền để ông U-ri-gia ở chỗ ông biết là có quân hùng mạnh nhất. Người trong thành xông ra, giao chiến với ông Giô-áp. Một số người trong quân binh, trong các bề tôi vua Ða-vít đã ngã gục, và ông U-ri-gia, người Khết, cũng chết.

Vợ ông U-ri-gia nghe tin ông U-ri-gia, chồng mình, đã chết, thì làm ma cho chồng. Khi tang lễ đã qua, vua Ða-vít sai người đi đón nàng về nhà mình. Nàng trở thành vợ vua và sinh cho vua một con trai. Nhưng hành động của vua Ða-vít không đẹp lòng Ðức Chúa. Ngôn sứ Nathan được Chúa sai đến trách nhà vua, nhưng ông đã khôn khéo dùng một dụ ngôn để cho chính miệng vua kết án tội của mình.

Ngôn sứ vào gặp và nói với vua: “Có hai người ở trong cùng một thành, một người giàu, một người nghèo. Người giàu thì có chiên dê và bò, nhiều lắm. Còn người nghèo chẳng có gì cả, ngoài con chiên cái nhỏ độc nhất ông đã mua. Ông nuôi nó, nó lớn lên ở bên ông, cùng với con cái ông, nó ăn chung bánh với ông, uống chung chén với ông, ngủ trong lòng ông: ông coi nó như một đứa con gái. Có khách đến thăm người giàu, ông này tiếc của, không bắt chiên dê hay bò của mình mà làm thịt đãi người lữ khách đến thăm ông. Ông bắt con chiên cái của người nghèo mà làm thịt đãi người đến thăm ông.”

Vua Ða-vít bừng bừng nổi giận với người ấy và nói với ông Na-than: “Có Ðức Chúa hằng sống! Kẻ nào làm điều ấy, thật đáng chết! Nó phải đền gấp bốn con chiên cái, bởi vì nó đã làm chuyện ấy và đã không có lòng thương xót.” Ông Na-than nói với vua Ða-vít: “Kẻ đó chính là ngài! Ðức Chúa, Thiên Chúa của Ít-ra-en, phán thế này: Chính Ta đã xức dầu phong ngươi làm vua cai trị Ít-ra-en, chính Ta đã giải thoát ngươi khỏi tay vua Sa-un. Ta đã ban cho ngươi nhà của vua ngươi, và đã đặt các người vợ của vua vào vòng tay ngươi. Ta đã cho ngươi nhà Ít-ra-en và Giu-đa. Nếu bấy nhiêu mà còn quá ít, thì Ta sẽ ban thêm cho ngươi gấp mấy lần như thế nữa. Vậy tại sao ngươi lại khinh dể lời Ðức Chúa mà làm điều dữ trái mắt Người? Ngươi đã dùng gươm đâm U-ri-gia, người Khết; vợ y, ngươi đã cướp làm vợ ngươi; còn chính y, ngươi đã dùng gươm của con cái Am-mon mà giết. Ấy vậy, gươm sẽ không bao giờ ngừng chém người nhà của ngươi, bởi vì ngươi đã khinh dể Ta và cướp vợ của U-ri-gia, người Khết, làm vợ ngươi.

“Ðức Chúa phán thế này: Ta sắp dùng chính nhà của ngươi mà gây họa cho ngươi. Ta sẽ bắt các vợ của ngươi trước mắt ngươi mà cho một người khác, và nó sẽ nằm với các vợ của ngươi giữa thanh thiên bạch nhật. Thật vậy, ngươi đã hành động lén lút, nhưng Ta, Ta sẽ làm điều ấy trước mặt toàn thể Ít-ra-en và giữa thanh thiên bạch nhật.”

Bấy giờ vua Ða-vít nói với ông Na-than: “Tôi đắc tội với Ðức Chúa.” Ông Na-than nói với vua Ða-vít: “Về phía Ðức Chúa, Người đã bỏ qua tội của ngài; ngài sẽ không phải chết. Thế nhưng vì trong việc này ngài đã cả gan khinh thị Ðức Chúa, nên đứa trẻ ngài sinh được, chắc chắn sẽ phải chết.” Rồi ông Na-than trở về nhà.

Trong Thánh Vịnh 51 vua Đavít xin Chúa tha tội cho ông. Ông thưa với Người:

“Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy. Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm. Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, dám làm điều dữ trái mắt Ngài. Như vậy, Ngài thật công bình khi tuyên án, liêm chính khi xét xử. Ngài thấy cho : lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai.  Nhưng Ngài yêu thích tâm hồn chân thật, dạy con thấu triệt lẽ khôn ngoan.  Xin dùng cành hương thảo rảy nước thanh tẩy con, con sẽ được tinh tuyền; xin rửa con cho sạch, con sẽ trắng hơn tuyết. Xin cho con được  nghe tiếng reo mừng hoan hỷ, để xương cốt bị Ngài nghiền nát được nhảy múa tưng bừng. Xin ngoảnh mặt đừng nhìn bao tội lỗi và xoá bỏ hết mọi lỗi lầm. Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ.  Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh, đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài.  Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ, và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con;  đường lối Ngài, con sẽ dạy cho người tội lỗi, ai lạc bước sẽ trở lại cùng Ngài.  Lạy Thiên Chúa con thờ là Thiên Chúa cứu độ, xin tha chết cho con, con sẽ tung hô Ngài công chính. Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con, cho con cất tiếng ngợi khen Ngài. Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm, con có thượng tiến lễ toàn thiêu, Ngài cũng không chấp nhận. Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát, một tấm lòng tan nát dày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê. Xin rộng lòng tuôn đổ hồng phúc xuống Xi-on, thành luỹ Giê-ru-sa-lem, xin Ngài xây dựng lại. Bấy giờ Ngài vui nhận tế phẩm luật truyền, lễ vật toàn thiêu, lễ vật hiến tế. Bấy giờ thiên hạ giết bò tơ dâng trên bàn thờ Chúa.”

Thánh vịnh 51 là lời cầu tha thiết vua Đavít dâng lên trước mặt  Thiên Chúa. Nó diễn tả nhận thức sâu xa về số phận con người tội lỗi ngay từ lúc còn là bào thai. Nhưng thánh vịnh cũng chúc tụng lòng nhân từ xót thương của Thiên Chúa. Thánh vịnh được phụng vụ dùng đặc biệt trong các lễ nghi thống hối và trong mùa Chay, là thời gian Giáo Hội mời gọi tín hữu hoán cả, trở về với Chúa, bằng nỗ lực thay đổi cung cách suy tư hành xử, cải tà quy chính, khước tù tội lỗi, ăn ngay ở lành, và sống bác ái quảng đại trợ giúp những người nghèo nàn túng thiếu nhất.

Linh Tiến Khải – Vatican

Theo https://radioltxc.org/2022/05/21/cac-gio-kinh-phung-vu/

Wednesday, September 6, 2023

PHÂN TÍCH CÁC TỪ “TUẪN ĐẠO” VÀ “TỬ ĐẠO”


WGPSG (19.06.2023) - Các thánh tử đạo Việt Nam là những tín hữu Công giáo Việt hoặc các vị thừa sai ngoại quốc được Giáo hội Công giáo Rôma tuyên thánh với lý do tuẫn đạo.

Trong lịch sử Giáo hội Công giáo Việt Nam có hàng trăm ngàn người đã tử đạo để làm chứng cho đức tin Kitô giáo, trong số đó có 117 vị đã được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II tuyên Thánh vào ngày 19 tháng 6 năm 1988, và Anrê Phú Yên được tuyên Chân phước ngày 5 tháng 3 năm 2000.

Nhân dịp này, xin được một lần nữa phân tích các từ “Tuẫn đạo” và “Tử đạo”.

– Trong mục Lời Ăn Tiếng Nói của báo Thánh Nhạc Ngày Nay số 28, và trong sách Tìm hiểu Từ vựng Công Giáo, Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ có viết bài Martyr tuẫn đạo hay tử đạo?  Nội dung bài viết đề cập đến từ “tuẫn đạo” và “tử đạo” và cho rằng trong các từ điển phần lớn chỉ có từ tuẫn đạo, và không có từ tử đạo, ngoại trừ quyển Việt Nam Từ Điển của Lê Văn Đức.

Có đoạn cho rằng: “Trong tiếng Việt, thường dịch là “kẻ chết vì đạo, kẻ chết vì nghĩa, kẻ chịu đọa đày, liệt sĩ” hoặc “người chịu chết vì đạo, đấng tuẫn đạo, đấng tử đạo…” trong nhà đạo thường dịch là “tử đạo”, như Các thánh tử đạo Việt Nam. Khi dịch như vậy về mặt ngôn ngữ thì có vấn đề.”

Trong đoạn khác: “… dịch chữ martyr là tuẫn đạo, nghĩa là chết vì đạo vì “tuẫn” là “chết vì”. Xem ra sát nghĩa, dễ hiểu… Còn dịch chữ martyr là tử đạo, và hiểu là chết vì đạo, xem ra có gút mắc, vì chữ tử có nghĩa là “chết”, còn chữ “vì” thì do đâu mà ra?”

– Trên VietCatholic News (Thứ Sáu 25/04/2008) Lm. Fx. Nguyễn Hùng Oánh có đăng bài Thuật ngữ “Tuẫn đạo” viết thành “Tử Đạo”, có nên không? Trong đó, tác giả bài viết có ý nên dùng thuật ngữ “tuẫn đạo” thay vì “tử đạo”. Đoạn kết bài có nói:

4/ Cái lý của tiền nhân dùng thuật ngữ “Tuẫn đạo”

Từ ngữ TỬ được dùng: ngày sinh, ngày tử, giấy khai sinh, giấy khai tử, giờ sinh, giờ tử v.v... Từ ngữ tử là chữ Hán đã được dân ta dùng rộng rãi như chữ nôm.

Từ ngữ ĐẠO được dùng: đi đạo, vào đạo, theo đạo, có đạo, đạo Phật, đạo Gia-tô, đạo Công giáo như chữ nôm. Vì thế, tiền nhân chúng ta gồm những bậc túc nho, thâm nho đã không nói chết vì đạo là tử đạo mà nói chết vì đạo là tuẫn đạo. Dầu Eugène Gouin giải thích từ ngữ “tử đạo” có ba nghĩa khác nhau, thật sự chỉ có một nghĩa: “tử đạo” là con đường chết, hoàn toàn trái với ý nghĩa “tuẫn đạo”. Trong bầu không khí vua chúa quan quân đi bắt tín hữu của Chúa Kitô, chữ “tuẫn đạo” dễ hiểu và như là chữ vàng dành cho người công giáo hơn hẳn chữ “tử đạo” vừa khó hiểu vừa không phải là khẩu hiệu giúp người ta sống đạo. Vì thế, tiền bối của chúng ta đã dùng thuật ngữ “tuẫn đạo”.

Vậy, nên dùng thuật ngữ “tử đạo”,  “tử vì đạo” hay “tuẫn đạo”?

Để làm rõ ý nghĩa của các thuật ngữ chúng ta hãy “Thám bản tầm nguyên / 探本尋源” (Thăm gốc tìm nguồn):

TUẪN ĐẠO LÀ GÌ?

– Theo Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh (xuất bản năm 1932): tuẫn  xem chữ tuận. Tra tiếp chữ tuận  nghĩa là liều chết vì một việc gì. Thế nhưng, chữ tuẫn không đứng riêng một mình mà được ghép chính – phụ với từ khác; đó là cách kết hợp xuôi (dịch nghĩa chữ đứng trước là tuẫn, kết hợp với nghĩa chữ phía sau). Ví dụ lấy theo Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh: tuẫn chức 殉職 – vì chức mà chịu chết; tuẫn danh 殉名 – liều chết vì danh; tuẫn đạo 殉道 – vì đạo mà liều chết; tuẫn giáo 殉教 – vì tôn giáo mà liều chết; tuẫn tiết 殉節 – vì tiết nghĩa mà liều mình. Như vậy, ghép tuẫn với từ phụ cho phép dịch là: liều chết vì “nghĩa của từ phụ”. Do đó, theo cách dùng chữ thuần Hán, tuẫn đạo nghĩa là liều chết vì đạo – đạo thánh Đức Chúa Trời. Cách diễn giải này giống như ý kiến của tác giả bài viết Martyr tuẫn đạo hay tử đạo?

– Theo Việt Nam Từ Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức Khởi Thảo (in năm 1931 và quyển in năm 1954): tuẫn  nghĩa là theo (không dùng một mình): tuẫn tiết. Tra tiếp, tuẫn danh 殉名 nghĩa là vì danh mà chếttuẫn đạo 殉道 nghĩa là vì đạo mà chết.

– Theo Đại từ điển Tiếng Việt của Nguyễn Như Ý: tuẫn đgt. nghĩa là hy sinh: tuẫn đạo, tuẫn nạn, tuẫn táng, tuẫn tiết. Tra tiếp, tuẫn đạo nghĩa là chết vì đạo. Vậy, chữ tuẫn cũng không đứng riêng một mình mà phải ghép chính – phụ, vì đây là gốc từ thuần Hán.

TỬ ĐẠO LÀ GÌ?

– Theo Đại từ điển Tiếng Việt của Nguyễn Như Ý: tử đgt. nghĩa là chết. Không có ví dụ hay giải nghĩa từ tử đạo.

– Theo Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh (xuất bản năm 1932): tử  nghĩa là chết – không hoạt động (Trong mục này, các nghĩa các từ được tra theo Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh). Chữ tử  có thể đứng một mình hoặc là trợ từ với một từ chính. Chữ tử có ba dạng kết hợp với từ khác:

+ Chữ tử được ghép phụ – chính với từ khác ở dạng kết hợp ngược (dịch nghĩa chữ phía sau trước, dịch nghĩa chữ tử sau). Ví dụ lấy theo Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh: tử chí 死志 – cái lòng quyết chết; tử chiến 死戰 – đánh nhau cho đến chết; tử chứng 死症 – bệnh nguy hiểm đến chết; tử đảng 死黨 – đồng đảng đến chết mà không đổi chí; tử địa 死地 – chỗ đất chết. Như vậy, ghép tử – từ chính cho phép dịch là: “làm gì hay cái gì chết”. Với lý lẽ đó mà tác giả bài viết Martyr tuẫn đạo hay tử đạo? đã đặt câu hỏi: “Vậy tử đạo có phải là đạo chết không?” Quả là một câu hỏi cắc cớ đây. Thật ra, có lẽ do tác giả bài viết đã hiểu khác đi. Là từ thuần Hán, tử đạo 死道 chỉ có nghĩa là con đường chết. Lúc này chữ đạo  có nghĩa là con đường chứ không phải đạo lý. Do vậy, từ thuần Hán không có chữ tử đạo với nghĩa là chết vì đạo. Vậy, tử đạo đang dùng hiện nay có xuất xứ từ đâu? Xin đọc tiếp phần sau sẽ rõ.

+ Chữ tử được ghép chính – chính với từ khác ở dạng kết hợp ngang (hai từ ghép có nghĩa giống nhau hoặc nghịch nhau, dùng để nhấn mạnh ý). Ví dụ: sinh tử 生死 (sống – chết), tử vong 死亡 (chết – chết), tử hoạt 死活 (chết – sống).

+ Chữ tử được ghép chính – phụ với từ khác ở dạng kết hợp xuôi (dịch nghĩa chữ đứng trước là tử, kết hợp với nghĩa chữ phía sau). Ví dụ: tử trận 死陣 (chết ở chỗ chiến trường), tử nghĩa 死義 (vì nghĩa mà chết), tử tiết 死節 (vì tiết liệt mà chết). Rõ ràng, chữ tử với cách ghép chính phụ được hiểu là “vì cái gì đó mà chết” hay “chết vì cái gì đó”, chứ không hề gút mắc như tác giả bài viết Martyr tuẫn đạo hay tử đạo? đã nêu lên. Cách ghép chính phụ này ảnh hưởng đến việc hình thành ra từ tử đạo (vì đạo mà chết) – xem phần lý giải ở mục sau.

– Theo Từ điển Tiếng Việt của Ủy ban Khoa học Xã hội, Viện Ngôn ngữ học: tử đg (kết hợp hạn chế) nghĩa là chết. Ví dụ: Vượt qua cửa tử (khẩu ngữ). Vào sinh ra tử. Như vậy chữ tử khi dùng với nghĩa tiếng Việt thì kết hợp hạn chế (ít ghép từ), bởi vì chữ tử có thể đứng riêng một mình với nghĩa đầy đủ. Trong khi đó, chữ tuẫn trong tiếng Việt đứng một mình không có nghĩa.

– Theo Cao Đài Từ Điển của Nguyễn Văn Hồng, bút hiệu Đức Nguyên: tử  nghĩa là chết. Tra tiếp, tử tiết 死節 nghĩa là chết vì tiết nghĩa. Từ điển này xem chữ tử  là từ chính, tiết  là trợ từ (ghép chính – phụ) nên dùng tương tự như tuẫn tiết. Nghĩa là chữ tử  được dịch là chết vì…

– Theo Việt Nam Từ Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức Khởi Thảo (in năm 1931 và quyển in năm 1954): tử  nghĩa là chết. Tra tiếp, tử tiết 死節 nghĩa là chết vì tiết nghĩa. Từ điển này xem chữ tử  là từ chính, tiết  là trợ từ (ghép chính – phụ) nên dùng tương tự như tuẫn tiết. Vậy, chữ tử  được dịch là chết vì…

– Theo Đại Nam Quấc Âm tự vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của (in năm 1895): tử  nghĩa là thác 𣨰 (từ Nôm có nghĩa là chết). Tra tiếp, tử tiết nghĩa là chết vì tiết nghĩa. Vậy, chữ tử  được dịch là chết vì…

Trong từ thuần Hán, tuẫn  có nghĩa là “chết vì”, tử  có nghĩa là “chết”. Tuy nhiên, khi chữ Hán được Việt hóa về âm đọc, nghĩa từ và văn phạm thì chữ tử  khi đứng độc lập được hiểu là “chết”, khi được ghép chính – phụ với từ khác ở dạng kết hợp xuôi thì được hiểu là “chết vì”. Do vậy, tử đạo 死道 là từ Hán Việt (Hán được Việt hóa) có cách ghép chính phụ (tử  là từ chính, đạo  là trợ từ) được hiểu với nghĩa là “chết vì đạo” (nghĩa thuần Việt) hay thác vì đạo (nghĩa Nôm).

DIỄN GIẢI CHO TỎ TƯỜNG

Âm đọc chữ Hán hiện nay của người Việt là âm phản chiếu của âm Hán đời Đường. Ban đầu vay mượn những từ đơn tiết như: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, phụ, mẫu, huynh, đệ, tử,… Sau này vay mượn song tiết như: tiên sinh, tiểu nhân, quân tử, quốc gia, thành thị, nhan sắc, tử tiết, tử đạo…

Chữ và ngữ âm Hán đời Đường du nhập vào nước ta theo hệ thống lớp học, khoa bảng. Sau này, khi nước nhà tự chủ được thì vẫn lấy chữ Hán làm ngôn ngữ chính của đất nước và vẫn phát triển học hành, thi cử bằng chữ Hán. Trong thi cử vẫn dùng sách và sử phương Bắc. Cho đến đời vua Tự Đức, nhà vua phải lên tiếng rằng: 邇來國史之學, 未經箸為功令, 故士之讀書為文, 惟知有北朝之史“Nhĩ lai quốc sử chi học, vị kinh trứ vi công lệnh, cố sĩ chi độc thư vi văn, duy tri hữu Bắc triều chi sử; bản quốc chi sử, tiển hoặc quá nhi vấn yên” (dịch nghĩa: Gần đây, về việc học quốc sử, vì chưa có lệnh ghi vào khóa trình, nên học sinh khi đọc sách, làm bài (thi), chỉ biết lịch sử Bắc triều; còn lịch sử nước nhà thì ít người học đến). (Trích Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục – quyển đầu)

Tiếng Việt có gốc Hán khoảng 70%, thế nhưng không hoàn toàn giữ nguyên nghĩa chữ Hán mà được hiểu theo nghĩa Việt. Ví dụ:

– Nghĩa từ phụ thuộc vào hoạt động của hình tiết:

+ Chữ gốc Hán nhưng du nhập đã lâu, hình tiết có thể hoạt động tự do trong câu, như: vạn, ức, triệu, cao, thấp, ngu, nịnh, nỉ, nhung, ông, bà, cô, cậu, đạo

+ Chữ gốc Hán nhưng hình tiết không hoạt động tự do trong câu như: tuẫn (chết vì), tử (chết), thảo (cỏ), nhân (người), giáo (tôn giáo, dạy bảo)…

– Nghĩa từ hình tiết Hán bị thay đổi theo nghĩa từ hình tiết Hán Việt, nhất là hiện nay từ ngữ Hán Việt được ghi bằng chữ Quốc ngữ. Ví dụ:

+ Bồi hồi 徘徊 nghĩa Hán là dùng dằng đi lại, nghĩa Việt là ở trong trạng thái có những cảm xúc, ý nghĩ trở đi trở lại, làm xao xuyến không yên, thường là khi nghĩ đến việc đã qua.

+ Viễn chinh 遠征 nghĩa Hán là đi chinh chiến nơi xa, nghĩa Việt là đi đánh nhau ở phương xa, ngoài bờ cõi nước mình. Do vậy, trong những năm kháng chiến chống Pháp, nghĩa quân của Trương Định hoạt động chính ở vùng Mỹ Tho, Gò Công (theo địa danh ngày nay); khi đến Biên Hòa để chiến đấu thì có thể dùng từ viễn chinh theo nghĩa thuần Hán, nhưng hiểu theo nghĩa Hán Việt thì không ổn, vì vẫn chiến đấu trên đất nước của mình. Từ viễn chinh dùng cho quân Pháp lúc đó thì đúng.

– Tại sao từ tử đạo được dùng phổ thông hơn từ tuẫn đạo?

Người xưa học chữ Hán đã soạn ra quyển Nhất Thiên Tự, Tam Thiên Tự, đến Ngũ Thiên Tự. Sau khi đã biết tối thiểu 1.000 chữ, 3.000 chữ hay 5.000 chữ Hán rồi người ta mới học Tam Tự Kinh. Để dễ học, dân gian đã diễn Nôm thành bài thơ lục bát:

Cơ (nền), quốc (nước), gia (nhà),
Khánh (mừng), thánh (thánh), tòa (tòa), đế (vua).
Văn (văn) vũ (vũ) phù (phù)
Lãm (cầm) tổng (tóm) đồ (lo) bảo (gìn) …

Thế nhưng, trong sách Ngũ Thiên Tự (5.000 chữ) không có chữ tuẫn  mà chỉ có chữ tử  với nghĩa là chết. Trong Ngũ Thiên Tự có từ đạo  với hai nghĩa là đạo hay đường. Có lẽ vốn từ dân gian chỉ cần đến 5.000 chữ là đủ rồi, vậy dùng từ tử đạo 死道 với nghĩa phổ thông Hán Việt (từ Việt gốc Hán) để nói về hành động chết vì đạo là chính xác và hợp lý. Vậy cụm từ tử đạo hay thánh tử đạo thoạt nghe qua tưởng là thuần Hán, thế nhưng lại là từ Việt gốc Hán và được sắp xếp chính – phụ theo kiểu Việt hoàn toàn.

Như vậy, tuẫn đạo 殉道 là từ thuần Hán với nghĩa là chết vì đạotử đạo 死道 là từ Việt gốc Hán với nghĩa chết vì đạo. Còn nếu muốn nói rõ hơn bằng cách dùng từ tử vì đạo 死為道 thì cũng đúng vì đây vẫn là từ Việt gốc Hán (vì  là chữ Nôm, có gốc là vị  của chữ Hán) mà thôi.

Trong kho tàng sách Công giáo hán nôm, ban đầu dùng từ tử vì đạo, về sau dùng từ tử đạo.

Michel Nguyễn Hạnh
Sài Gòn, ngày 19 tháng 6 năm 2023

Nguồn:  tgpsaigon.net (19.06.2023)