Wednesday, July 26, 2023

NHỮNG CHUYẾN XE CUỘC ĐỜI

 CHIẾC XE BUÝT 🚌 KẾ TIẾP

--------------------------------------
Bạn biết đấy, tình yêu giống như ai đó đang chờ xe buýt. Khi xe vừa tới, bạn nhìn lên và tự nói: “Hmm, xe đầy rồi… chẳng còn chỗ, thôi mình đợi chiếc sau vậy.”
 
Thế là bạn bỏ qua chiếc hiện tại, ngồi chờ chiếc thứ hai. Khi chiếc xe thứ hai tới, bạn nhìn lên và lại tự lẩm bẩm: “Xe này sao cũ thế nhỉ, tồi tàn quá!” Và bạn cũng chẳng bước lên xe, ngồi đợi chiếc tiếp theo.
Một lát sau, chiếc xe thứ ba chạy tới. Chiếc xe này không cũ, không có đông khách nhưng bạn vẫn không hài lòng: “Cái xe này không có điều hoà, thôi mình cố đợi chiếc sau”.
 
Một lần nữa, bạn lại bỏ qua chiếc xe hiện tại và ngồi chờ chiếc kế tiếp. Trời thì tối dần, và cũng có vẻ muộn rồi. Bạn tặc lưỡi nhảy đại lên chiếc xe buýt tiếp theo, và chẳng mấy chốc bạn phát hiện ra rằng mình chọn nhầm xe mất rồi!
 
Như vậy, bạn lãng phí thời gian và tiền bạc trong lúc ngồi chờ những gì bạn mong muốn! Thậm chí nếu có một chiếc xe buýt có điều hoà chạy tới, chưa chắc chiếc xe buýt này đã có thể thoả mãn được tiêu chuẩn của bạn, vì biết đâu điều hoà trên xe quá lạnh thì sao.
 
 
Các bạn thân mến, muốn mọi thứ đến với mình như là mình mong ước là một việc sai lầm. Vì vậy, nếu bạn không cảm thấy ngại thì cứ thử nắm lấy một cơ hội xem sao. Giả sử bạn cảm thấy chiếc xe buýt không làm cho bạn hài lòng, bạn chỉ việc nhấn chiếc nút đỏ, và xuống ở bến đỗ gần nhất, đơn giản vậy thôi.
 
Có ai dám nói rằng cuộc đời là công bằng… Việc tốt nhất mà ta có thể làm là phải tinh ý và cởi mở hơn khi quan sát. Nếu chiếc xe buýt này không hợp với bạn, hãy nhảy xuống. Tuy nhiên bạn phải luôn luôn có những dự phòng khác để có thể dùng trên chuyến xe tiếp theo.
 
Nhưng đừng vội… Tôi chắc rằng có thể bạn đã có được kinh nghiệm này từ trước. Bạn trông thấy một chiếc xe buýt chạy tới (tất nhiên là chiếc xe bạn mong muốn), bạn vẫy xe, nhưng bác tài xế lại giả vờ như không trông thấy bạn và bỏ qua bến mà bạn đang chờ. 
 
Đơn giản là chiếc xe này không dành cho bạn rồi. 
.................................
Lời cuối của câu chuyện này là, cảm giác được yêu giống như việc chờ một chiếc xe buýt mong ước. Bạn nhảy lên một chiếc xe, tức là chấp nhận cho nó một cơ hội, và mọi việc bây giờ hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân bạn. Nếu bạn chưa có một quyết định cụ thể, hãy ĐI BỘ. Đi bộ giống như là việc chưa sẵn sàng yêu vậy. Mặt tốt của nó là bạn vẫn có thể chọn bất cứ chiếc xe buýt nào bạn muốn. Những người không muốn chờ đợi thêm nữa thì phải hài lòng với chiếc xe buýt mà họ đã chọn.
 
Còn thêm một điều nữa… đôi khi việc chọn một chiếc xe buýt quen thuộc thì tốt hơn là việc mạo hiểm chọn một chiếc xe lạ. Nhưng tất nhiên, cuộc đời sẽ không chẳng có gì là hoàn hảo nếu như thiếu sự mạo hiểm trong đó.

 
Vẫn còn một chiếc xe buýt mà tôi quên không nói với bạn – chiếc xe mà bạn không hề phải đợi. Chiếc xe này tự nó dừng lại, mời bạn lên xe và cùng bạn thực hiện cuộc hành trình hoàn hảo cho đến cuối đời.
Bạn không bao giờ thua cuộc khi yêu cả.
 
Bạn chỉ luôn thua cuộc bởi ngập ngừng mà thôi.
🚃🚞🚞🚊
------------------------
From a friend
 

Saturday, July 15, 2023

Thánh nữ Maria Magđalêna

Ngày 22/07 - Thánh nữ Maria Magđalêna

 Ngày 22/07: Thánh nữ Maria Magđalêna

Ngày 22 tháng 7
THÁNH NỮ MARIA MAGĐALÊNA

A. ĐÔI DÒNG TIỂU SỬ

1. Trước khi theo Chúa: Chơi xả láng

Maria Magđalêna, là con một gia đình phú quý sang trọng.

Sau khi cha mẹ mãn phần, Ngài được hưởng một lâu đài kếch xù ở Magdala, miền Galilê, do đó người ta gọi Ngài là Maria Magđalêna. Với cái gia tài to tát này, Maria sống xa hoa, đài các, sa đọa, làm cớ cho cả vùng Galilê dèm pha khinh dể. Nàng sa đọa, trụy lạc đến nỗi trở nên nô lệ ma quỷ, bị ma quỷ ám hại ?...

2. Sau khi theo Chúa: Can đảm điều chỉnh lại cuộc đời

Nhưng Chúa Giêsu thương Maria, khiến cho nàng ước muốn gặp Người. Và đây cơ hội thuận tiện đã đến. Nàng nghe tin Chúa dự tiệc tại nhà ông Simon biệt phái, nàng chạy đến để gặp Người:

Và kìa một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pharisêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà  khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên.

Thấy vậy, ông Pharisiêu đã mời Người liền nghĩ bụng rằng: “Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi!” Đức Giêsu lên tiếng bảo ông: này ông Simon, tôi có điều muốn nói với ông! Ông ấy thưa: “Dạ, xin Thầy cứ nói”. Đức Giêsu nói: “Một chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ năm trăm  quan tiền, một người nợ năm chục.  Vì  họ không có gì để  trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ  nợ hơn?. Ông Simon đáp: Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn. Đức Giêsu bảo: “Ông xét đúng lắm.”

Rồi quay lại phía người phụ nữ, Người nói với ông Simon: ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. Dầu ôliu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm. mà đổ lên chân tôi. Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít. Rồi Đức Giêsu nói với người phụ nữ: “Tội của chị đã được tha rồi.” (Lc. 7,3 7-48)

Từ đó, Maria Magđalêna nhiệt thành đi theo giúp việc Chúa, sống đời đạo đức thánh thiện. Khi Chúa chết, Ngài đứng dưới chân thập giá. Trong lúc mai táng Chúa, Thánh nữ cũng có mặt với các môn đệ, chính Ngài đã chứng kiến ngôi mộ trống và là người đầu tiên nhận ra Chúa phục sinh và loan báo Tin mừng phục sinh cho các môn đệ.

3. Sau khi Chúa về Trời: Hết lòng loan báo Tin Mừng Phục Sinh.

Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô Cả đã khen ngợi lòng yêu mến thiết tha của thánh nữ như thế này:

“Maria Magđalêna, sau khi ra mồ và không thấy xác Thầy mình ở đây nữa, liền tưởng là người ta đã mang Thầy mình đi rồi và chạy đi đưa tin cho các môn đệ. Các môn đệ tới, thấy như vậy và tin lời người phụ nữ đã nói. Sách Thánh đã viết về họ rằng: Vậy các môn đệ trở vnhà. Nhưng tiếp theo: Còn Maria thì đứng lại ở ngoài cửa mồ mà khóc lóc. ,,

Trong câu chuyện này, ta phải thấy tình yêu đã làm cháy lòng người phụ nữ kia đến thế nào. Chúng ta thấy dù các môn đệ đã ra về, nhưng chị vẫn không rời bỏ mồ Chúa. Chị còn muốn tìm Đấng mà người ta không thấy. Chị khóc lóc mà tìm. Và bởi cháy lửa tình yêu mến đối với Chúa, chị càng nồng nàn ao ước tìm được Đấng mà chị tưởng là người ta đã mang đi: chính vì vậy mà chỉ có một mình chị đã thấy Người vì chị đã ở lại mà tìm. Ở đây chúng ta nhớ lời của Chúa đã nói xưa được ứng: Ai kiên trung đến cùng sẽ được cứu  rỗi “.

B. BÀI HỌC

1. Yêu mến và tha thứ luôn có họ hàng với nhau.

Trong một buổi chia sẻ kinh nghiệm sống, một phụ nữ đã kể lại như sau:

Tôi nhớ ngày tôi còn là một thiếu nữ, một lần kia cha mẹ tôi dắt tôi đi xem cuốn phim tựa đề là “ảo ảnh cuộc đời”. Phim đó kể lại chuyện một cô gái không những đã bội bạc mà còn khinh khi làm khổ người mẹ đang hết lòng yêu thương và hy sinh cho cô. Qua nhiều biến có thăng trầm, cuối cùng, người mẹ đau khổ đó chết, cô gái trở về thống hối tiếc thương.

Về nhà, hôm ấy gia đình bàn tán về ý nghĩa của câu chuyện trong phim. Tôi nhớ rõ là tôi đã bực bội phê bình to tiếng:

- Bấy giờ trở về ăn năn thống hối làm gì nữa, vì mẹ đã chết rồi.

Tôi thấy mẹ tôi định trả lời, nhưng cha tôi dùng ánh mắt ngăn mẹ tôi lại và nói:

- Không có sự trở về nào là trễ trong tình thương con ạ.

Ngày đó, thú thật tôi không hiểu gì nhiều về câu trả lời của cha tôi. Nhưng bây giờ đã là mẹ, tôi mới thấm ý nghĩa của lời đó. Chính câu nói ấy đã giúp tôi luôn sẵn sàng yêu thương tha thứ cho con cái tôi .

2. Sự trung kiên đến cùng bao giờ cũng mang lại những kết quả tốt đẹp.

Một tu sĩ trẻ nọ được gởi đến làm việc với một số anh em khác, công việc của họ là dệt một khung vải rộng lớn, trên đó mỗi người ngày ngày dệt phần được trao phó, việc làm xem ra độc điệu và vô nghĩa. Ngày nọ, không còn chịu đựng nổi một công việc nhàm chán như thế. Người tu sĩ trẻ thốt lên với tất cả sự giận dữ của mình:

Trước khi tôi được sai đến đây, người ta nói với tôi về một công trình nghệ thuật cao cả mà tôi sẽ góp phần vào. Bây giờ tôi chỉ thấy rằng, tôi phải dùng kim đâm qua xỏ lại như một cái máy, tôi không thấy đâu là nghệ thuật cả.

Nghe thế, vị tu sĩ già mới nói với thầy như sau:

- Con ơi làm sao con thấy được công trình nghệ thuật mà chúng ta đang cộng tác để thực hiện bởi những gì con đang thấy là mặt trái của tấm thảm. Hơn nữa, việc con đang làm là một điểm nhỏ trong công trình mà thôi.

Khi tấm thảm đã hoàn thành, người ta lật tấm thảm lại. Lúc bấy giờ, vị tu sĩ trẻ mới thấy rằng mình góp phần vào một tuyệt tác. Đó là bức tranh của Ba Vua triều bái hài nhi Giêsu, những đường kim mà người tu sĩ trẻ ngày ngày đút qua xỏ lại, chính là hào quang sáng chói trên đầu Chúa Hài Nhi. Điều mà thầy cho là vô nghĩa nhất giờ đây hiện lên như một kỳ công.

Lạy Chúa,

Chúa đã chịu chết và sống lại,

xin dạy chúng con biết chiến đấu

trong cuộc chiến mỗi ngày

để được sống dồi dào hơn.

Chúa đã khiêm tốn và kiên trì

nhận lấy những thất bại trong cuộc đời

cũng như mọi đau khổ của Thập giá.

Xin biến mọi đau khổ

cũng như mọi thử thách

chúng con phải gánh chịu mỗi ngày,

thành cơ hội giúp chúng con thăng tiến

và trở nên giống Chúa hơn.

Xin dạy chúng con biết rằng

chúng con không thể nên hoàn thiện

nếu như không biết từ bỏ chính mình

và những ước muốn ích kỷ.

Ước gì từ nay,

không gì có thể làm cho chúng con

khổ đau và khóc lóc

chỉ vì quên đi niềm vui

ngày Chúa phục sinh.

Chúa là mặt trời tỏa sáng tình yêu Cha,

là hy vọng hạnh phúc bất diệt,

là ngọn lửa tình yêu nồng nàn.

Xin lấy niềm vui của Người

mà làm cho chúng con nên mạnh mẽ

và trở thành mối dây yêu thương,

bình an và hiệp nhất giữa chúng con. Amen.

Mẹ Têrêxa Calcutta

Lm. Giuse Đinh Tất Quý

 

---------------------------------------------------------

 NGHỆ THUẬT VÀ THÁNH NỮ MAĐALÊNA

Trong hàng Thánh nữ Công giáo, Thánh Maria Mađalêna là vị được đưa vào hội hoạ nhiều nhất. 

Đối với người Công Giáo, Thánh nữ Maria Mađalêna được biết đến nhiều có lẽ bởi có nhiều câu chuyện Kinh Thánh viết về Bà gắn liền với cuộc đời Chúa Giêsu; đặc biệt là chi tiết, Bà là người đầu tiên được gặp Chúa Giêsu sau khi Người sống lại. Đã có rất nhiều tranh vẽ về chi tiết này.

Tuy nhiên, với phần đông hoạ sĩ, nhất là từ thời Phục Hưng, dường như cảm hứng lớn nhất về chủ đề Thánh nữ Maria Mađalêna bắt nguồn ở chỗ: Không phải sinh ra Bà đã "là Thánh" rồi. Bà sinh ra trong tội lỗi và lớn lên trong tội lỗi. Bà "trở thành Thánh", bởi cái Tâm hướng thượng, hướng về Thiên Chúa, và đã "vượt qua chính mình"...

Nổi tiếng nhất, trong những bức tranh về Thánh nữ Maria Mađalêna, là của Titian (Tizano Vecellio-1488-1576) - họa sĩ bậc thầy thời Phục Hưng - vẽ năm 1567, hiện đang được lưu giữ tại bảo tàng Nazionale di Capodimonte, Naples.

“Thánh nữ Maria Mađalêna”, 1567, Oil on canvas, 128 x 103 cm, Titian.

Nổi bật trong tranh là hình ảnh một người phụ nữ đẹp, có sức sống tràn đầy, nhưng tâm hồn đã hướng trọn về Thiên Chúa. Nó có thể, khiến gợi nhớ đến quá khứ tội lỗi, “bị quỹ ám” nơi Thánh nữ, nhưng, không tạo nên nghi ngờ về đức tin kiên định và sự thánh thiện hiện tại... Trong tranh, hoạ sĩ cũng đã sử dụng lại biểu tượng quen thuộc, gắn liền với hình tượng Thánh nữ Maria Mađalêna, có từ trong nghệ thuật Byzantium, đó là lọ nước hoa, nhưng ông đã thêm vào một biểu tượng mới, đó là chiếc đầu lâu người đặt ngay dưới Sách Thánh. Biểu tượng này được ông dùng như một cách “lý giải” hình tượng: Đón nhận Tin Mừng của Chúa, Thánh nữ đã vượt qua cõi chết để đến với cõi vĩnh hằng... Biểu tượng đầu lâu người được thêm vào tranh vẽ Thánh nữ Maria Mađalêna này, đã được nhiều hoạ sĩ về sau sử dụng lại.

Bức tranh thứ hai, cũng nổi tiếng không kém, là “Chúa Giêsu ở nhà ông biệt phái Simon” của Pieter Pauwel Rubens, vẽ năm 1618-1620, hiện đang được lưu giữ tại bảo tàng Hermitage, thành phố Petersburg, Nga.

“Chúa Giêsu ở nhà ông biệt phái Simon”, 1618-20, Oil on canvas, 189 x 285 cm, Pieter Pauwel Rubens

Hình ảnh trong tranh thể hiện câu chuyện Chúa Giêsu ở nhà ông biệt phái Simon, khi Thánh nữ Maria Mađalêna đang quì ôm chân Chúa, dùng dầu thơm rửa chân Chúa, dùng tóc mình lau chân Chúa và xin được cứu rỗi... Bức tranh nổi tiếng bởi sự sinh động của hình ảnh. Người xem có thể nhận thấy: Chúa Giêsu dường như đang giải thích, không chỉ cho những người biệt phái, mà cho cả chúng ta, về ý nghĩa của Tin Mừng Thiên Chúa, về sự ăn năn và cứu rỗi... Theo nhiều nhà phê bình mỹ thuật, đây là một trong số rất ít tác phẩm của Rubens thể hiện sự quan tâm nhiều đến các biểu hiện tâm lý nhân vật, đến tư tưởng chủ đề hơn là các hình thức kiểu cách... Và, bản thân điều này cho thấy, với ngay cả một hoạ sĩ kiểu cách, ưa thích sự hấp dẫn hình thức (nhiều khi hy sinh cả khía cạnh tư tưởng) như Rubens, ý nghĩa hình tượng nơi Thánh nữ Maria Mađalêna cũng đã có giá trị hết sức đặc biệt.

Cả hai tác phẩm nêu trên đều đã đi vào lịch sử nghệ thuật như là những tác phẩm đặc sắc nhất và nổi tiếng nhất của nghệ thuật Công Giáo. Đối với chúng ta, những suy ngẫm của các hoạ sĩ thể hiện trong tranh cũng rất nên được suy ngẫm lại...

Nguyên Hưng

Dưới đây là một số tác phẩm khác về Thánh nữ Maria Mađalêna:

“Gặp lại Chúa”, 1511-12. Oil on canvas, 109 x 91 cm, Titian (Tizano Vecellio) National Gallery, London

“Gặp lại Chúa”, 1525, Oil on canvas 130 x 103 cm, Correggio, Museo del Prado, Madrid

“Thánh nữ Maria Mađalêna”, Oil on panel, 45 x 29 cm bởi Quentin Massys (1466–1529), Koninklijk Museum voor Schone Kunsten, Antwerp

“Thánh nữ Maria Mađalêna”, 1596-97, Oil on canvas, 122,5 x 98,5 cm, Caravaggio, Galleria Doria-Pamphili, Rome

“Thánh nữ Maria Mađalêna”, 1633, Guido Reni, Oil on canvas, 234 x 151 cm, Galleria Nazionale d'Arte Antica, Rome

“Thánh nữ Maria Mađalêna”, 1623-27, Oil on canvas, 241 x 171 cm, Simon Vouet, Galleria Nazionale d'Arte Antica, Rome

Cretan icon Thế kỷ 16

Icon Nga thế kỷ 15

 

ƠN TOÀN XÁ 23/7 NGÀY ÔNG BÀ

 

Toà Ân giải Tối cao ban ơn toàn xá cho tín hữu cử hành Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao tuổi lần thứ ba

Toà Ân giải Tối cao sẽ ban ơn toàn xá, theo các điều kiện thông thường (xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý định của Đức Giáo hoàng), cho các ông bà, người cao tuổi và tất cả tín hữu, được thúc đẩy bởi tinh thần sám hối thật sự và bác ái, sẽ tham dự Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi năm nay, được cử hành vào ngày 23/7/2023.

Trong Sắc lệnh được công bố ngày 5/7/2023, Đức Hồng y Piacenza và Đức ông Nykiel cho biết ơn Toàn xá được ban “để gia tăng lòng đạo đức của các tín hữu và để đạt được ơn cứu độ của các linh hồn,” và theo “yêu cầu của Đức Hồng y Kevin Joseph Farrell, Tổng trưởng Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, nhân dịp Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi lần thứ ba.” Ngày này đã được Đức Thánh Cha ấn định vào Chúa Nhật thứ tư của tháng 7.

Tham dự Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi 

Các tín hữu có thể nhận được ơn toàn xá khi tham dự Thánh lễ do Đức Thánh Cha chủ sự tại đền thờ Thánh Phêrô hoặc các Thánh lễ được cử hành ở các nơi khác vào ngày này.

Ơn Toàn xá này sẽ có thể được dành cho các linh hồn trong luyện ngục.

Toà Ân giải cũng ban ơn toàn xá vào Ngày này “cho các tín hữu dành thời gian thích hợp để thăm viếng các anh chị em lớn tuổi nghèo khổ hoặc khó khăn (ví dụ như người bệnh, người bị bỏ rơi, người khuyết tật…) một cách trực tiếp hoặc qua các phương tiện truyền thông."

Những người già yếu đau bệnh và những người vì lý do nghiêm trọng không thể đến nhà thờ, cũng có thể lãnh ơn toàn xá, nếu được sạch tội hoặc có ý định chu toàn ba điều kiện theo thông lệ càng sớm càng tốt, “khi tham dự cách thiêng liêng các Thánh lễ được cử hành trong Ngày này, bằng cách dâng lên Thiên Chúa Thương xót những lời cầu nguyện của họ, những đau đớn và khổ sở trong cuộc sống của họ, đặc biệt là khi những lời của Đức Thánh Cha và các Thánh lễ được truyền tải qua các phương tiện truyền thông.”

Khuyến khích các linh mục siêng năng giải tội

Sắc lệnh cũng nói rằng để các tín hữu có thể dễ dàng nhận lãnh ân sủng thiêng liêng này, các linh mục đã được ban năng quyền giải tội được yêu cầu sẵn sàng, với tinh thần quảng đại, cử hành Bí tích Hoà giải. (CSR_2604_2023)

Hồng Thủy - Vatican News