1.
Năm nào cũng vậy, mùa Chay bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro và diễn ra liền
mạch 5 tuần lễ tiếp theo. Dọc dài quãng thời gian này, trong ngoài nhà
thờ, từ tượng ảnh, khăn phủ nhà chầu Thánh Thể, đến cả lễ phục của chủ
tế, thảy đều màu tím than. Váng vất điều gì, như một thoáng thanh
tĩnh, u trầm, chay tịnh ở khắp nơi, từ cảnh vật bên ngoài, đến lòng
người, u ẩn, riêng tư. Có muốn, cũng chẳng được nghe ngân vang đàn hát
Kinh Vinh Danh (Gloria) và tung hô Tin Mừng (Alleluia) mỗi sớm mai đầu
lễ. Bù lại, cứ chiều tối các ngày chẵn trong tuần, nhà thờ nào cũng đầy
chặt những người là người, tề tựu đông đủ cùng nhau đọc kinh, lần hạt
Mân Côi. Xen kẽ sau mỗi chục (hoặc 3 kinh Kính Mừng) thì Suy Ngắm về Sự Thương Khó của Ðức Chúa Giêsu (5, 10 hoặc trọn bộ 15 ngắm). Cử hành việc thiêng liêng này, miệng đọc - lòng suy mà tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu trên suốt những chặng đường Cứu Ðộ lên Núi Sọ. Thực ra, không hề thấy Ngắm Mười Lăm Sự Thương Khó - hiểu
như là một điều bắt buộc phải có của Phụng vụ - trong Lịch Công giáo
quanh năm. Có chăng, chỉ là một nghi thức bên lề Phụng vụ, được cảm
hứng từ một bản văn tường thuật về Cuộc Khổ Nạn của Ðức Chúa Giêsu, mà
thuật ngữ của Phụng vụ quen gọi là Bài Thương Khó. Và đặc biệt, được diễn cảm, phân cảnh theo từng chương hồi, bằng cung cách tế tự và bằng thứ ngôn ngữ, cung bậc ca vãn rất riêng của những cộng đoàn Việt Nam Công giáo ở ngay buổi hừng đông mới đón nhận Tin Mừng, nửa đầu thế kỷ 17.
Càng đọc kỹ những trang bút ký - Histoire du Royaume de Tunkin, 1651;
Divers Voyages et Missions, 1653 của giáo sĩ Alexandre de Rhodes và của
các nhà truyền giáo dòng Ðaminh, dòng Phanxicô - càng hiểu rõ hơn hoàn
cảnh phát sinh, thời điểm ra đời và cả những chỉ dẫn rất cẩn trọng cho
việc cử hành nghi thức suy ngắm này : “Năm 1644, ở Hội An, giáo
hữu hát những lời than thở bằng tiếng bản quốc rất thảm thiết về sự
thương khó của Ðức Chúa Giêsu... Chúng tôi đã chia các mầu nhiệm thương
khó ra làm 15 đề tài. Cứ sau khi đọc chung 10 kinh chuỗi hạt thì ngắm
một đoạn và suy niệm…”. Thói quen lành thánh ấy - như một truyền
thống - đã được các thế hệ về sau, dù ở xứ Ðàng Trong hay Ðàng Ngoài -
kế thừa, chấp hành rất nghiêm túc. Cụ thể là sách Thánh Giáo Kinh Nguyện
của các giáo phận thuộc miền Thừa Sai Paris (Hà Nội, Phát Diệm, Hưng
Hóa, Thanh Hóa…); sách Toàn Niên Kinh Nguyện của các giáo phận miền Dòng
Ðaminh (Hải Phòng, Bùi Chu, Bắc Ninh, Thái Bình, Lạng Sơn…) và sách
Mục Lục Nhựt Khóa của miền đạo thuộc Trung - Nam bộ (Vinh, Huế, Qui
Nhơn, Nam Kỳ Ðịa Phận…) là những dẫn chứng còn đậm nét nhất. Ðây, xin
mời đọc lại “lời bảo” in trong Thánh Tuần Sự Vụ - Ca Hát Mùa Chay của sách Mục Lục: “Ðến
giờ Ngọ thì dọn mình mà chầu Chúa. Trên bàn thờ, thắp hai cây đèn.
Dưới và trước bàn thờ đặt một chơn đèn lớn mà cắm mười lăm cây đèn. Ðoạn
thì than mười lăm sự thương khó, cứ than và lần hột một chục thì tắt
một cây đèn bên hữu; đoạn than một thứ khác và lần hết một chục thì tắt
một cây đèn bên tả, và làm như vậy cho đến hết mười bốn cây đèn; còn một
cây trên đảnh thì chớ tắt, mà để đọc kinh Chúng Tôi Là Vật Mọn. Ðoạn
thì cất cây đèn ấy xuống, để phía sau bàn thờ cho khuất, rồi than Kinh
Thẩm Phán…”.
|
2.
Ở bên Tây, bên Mỹ thế nào không rõ, chứ ở Việt Nam ta - đặc biệt tại
các nhà thờ xứ đạo làng quê - mùa Chay và Tuần Thánh đã diễn ra rất
trọng vọng và phong phú. Cả về kinh sách, lễ nhạc (hình thức); cả về cảm
thức thánh thiêng (nội dung). Nếu tôi nhớ không nhầm thì mùa Chay thuở
ấy, xa thật xa trước Công đồng Vatican II - được chuẩn bị kỹ lắm, chi li
từng tí một. Nói như người bây giờ là chuẩn bị từ xa, xa những 3 Chúa
nhật trước Thứ Tư Lễ Tro, được đặt tên riêng bằng tiếng Latinh và rao
trong Lịch Công giáo đàng hoàng: Septuagesima (thứ 70); Sexagesima (thứ 60) và Quinquagesima (thứ 50). Như thế, rõ ràng là đã có một Lễ Hội Mùa Chay Cả, một Tuần Ðại Phúc rất bài bản và không thiếu sắc màu, cảm xúc. Thậm chí, dân gian nhà đạo mình còn đặt cho nó một cái tên là Mùa Thương Khó. Ngạc nhiên chưa, thương khó cả một mùa, thương khó mà lại dễ thương làm sao! Nhớ và thương suốt cả một đời chứ chẳng dễ phôi pha, bèo bọt đâu.
Chu kỳ lễ hội mùa Chay này dễ nhớ và dễ thương còn vì nó vừa vận hành
với thời vụ, hoa màu; với con nước, tuần trăng của đồng áng; lại vừa ăn
khớp nhịp nhàng với bước đi chộn rộn của những hội hè đình đám ra Giêng ở
ngoài đời. Ðạo và đời cứ như hòa quyện vào nhau, ràng ríu, quấn quýt
như bóng với hình, rất nhuần nhị, chan hòa. Ðến nỗi, có nhiều nơi,
người bên lương và nhà chùa cũng tham gia, công đức, cúng dường với
người bên đạo, như một lễ hội chung của thôn làng vậy.
Ðời thì :
Tháng Giêng, ăn Tết ở nhà. . .
Tháng Hai, trồng đậu, tháng Ba trồng cà
Còn đạo :
Tháng Hai - Ngắm đứng, tháng Ba - ra mùa…
Còn nhớ như in kinh Bổn lớp Ðồng Ấu thuở ấy dạy bọn trẻ chúng tôi thế này : “Xem lễ
ngày Chúa nhật, cùng các ngày lễ buộc… Xưng tội trong một năm ít là
một lần / Chịu Mình Thánh Ðức Chúa Giêsu trong mùa Phục Sinh”. Bởi
mỗi năm chỉ có một lần, thế nên, người ta nghỉ ngơi tất tần tật mọi việc
nặng nhẹ, xa gần. Tạm gác một bên những mùa màng, bán buôn, chợ búa,
vườn tược… chỉ để dọn mình xưng tội, rước lễ, đặng “ăn mày các ơn ích thiêng liêng mùa Chay cả”.
Cũng là để hồn xác được thong dong, thư nhàn, hòa mình vào sinh hoạt
nhà thờ - nhà thánh, đoàn thể - xứ họ… sau một năm lam lũ, vất vả vì
manh áo miếng cơm. Bởi thế, chẳng cần ai bảo ai. Mỗi người, mỗi giới,
mỗi việc... Cứ răm rắp như là việc chung đã thành nền nếp của đất lề,
quê thói, đời trước đến đời sau. Trong số những bộn bề bất thành văn ấy,
đáng nói và tập trung chú ý hơn cả vẫn là Ngắm Mười Lăm Sự Thương Khó Ðức Chúa Giêsu. Truyền thống này hình như đã quá in sâu vào tâm thức, đủ sức lan tỏa, lôi cuốn mọi người vào cuộc. Chỉ tính rặt một sự kiện “Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu” thôi đã nhiêu khê, chồng chéo lắm rồi. Nào ngắm
đứng, ngắm quỳ, ngắm rằng, ngắm nhân sao (ngắm đơn); nào ngắm dấu đanh,
ngắm nhân tài, ngắm lễ đèn (ngắm kép / ngắm trọng thể); nào đi đàng
thánh giá v.v… Mỗi thứ mỗi vẻ, mỗi công đoạn, mỗi cách thể hiện
lòng đạo, đức tin. Mỗi nơi, mỗi thời mỗi thêm bớt, đậm nhạt. Hỏi chứ,
làm sao mà tránh cho khỏi những suy diễn, ngoại thư, hư cấu, thêm bớt,
hoa hòe hoa sói, điều tiếng, khen chê, đúng sai ? Cũng vậy, làm sao
không vướng víu vào cảm tính bi lụy thường tình, những khoảnh khắc lan
huệ sầu ai của những người con Chúa mau nước mắt ? Những ai đã từng sống
một thuở một thời với nhà thờ - xứ đạo - làng quê, hẳn còn nhớ cái cảnh
tóc rối đầu tang, một trời khăn trắng ngày Thứ Sáu Tuần Thánh? Người ta
bảo là để tang Chúa đấy! Thế mới hay, cái khuynh hướng chung về tâm lý,
hình như bao giờ cũng nghiêng chiều về đường cay đắng, khổ ải, đau
thương? Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu - hơn hai nghìn năm rồi - mà vẫn cứ
là đề tài còn tươi nguyên tính thời sự - khơi gợi biết bao nhiêu nguồn
cảm hứng cho các thể loại văn học, nghệ thuật? Dầu sao, để phán xét một
cách khách quan và công bằng, phải đặt Ngắm Mười Lăm Sự Thương Khó vào
đúng thời điểm lịch sử của nó. Ðó là cái thời lịch sử đất nước ta đang
chìm trong cảnh cát cứ, cương vực Trịnh Nguyễn phân tranh ở đôi bờ sông
Gianh; giữa ảnh hưởng nhập nhòa, cũ mới, gần xa của Hán - Nôm thịnh mãn
và Quốc ngữ còn phôi thai. Và cũng là lúc lòng người chưa thoát ra khỏi
cái không khí ảm đạm, u hoài của tử biệt sinh ly, qua giọng bi ai, nhấn
nhá, trầm bổng bàng bạc trong học quốc âm, như các thể loại Vè, Vãn, Ca, Ngâm. Dường
như, có thể nói, kinh văn nguyện cầu trong nhà thờ và thơ văn ngoài đời
đang có chung những tần số rung cảm có hơi hướm của lâm khốc biệt hành
hơn là lưu thủy, hành vân. Từ Bạch Vân Quốc Ngữ Thi của Nguyễn Bỉnh
Khiêm (1491-1587) đến Ngọa Long Cương Vãn và Tư Dung Vãn của Ðào Duy Từ
(1572-1634). Từ thư mục kinh sách của giáo sĩ Girolamo Majorica
(1591-1656), cho đến Cảm Tạ Niệm Từ của Thầy giảng Phan Chi Cô (1640) và
Sấm Truyền Ca về sau này của Thầy cả Lữ-Y Ðoan (1670)... Không lạ gì,
bên cạnh đó, còn bao nhiêu là thứ nghi thức, phụ họa gần xa để làm giàu
cho kịch bản “Mùa Thương khó”, như hái lá dừa, rước lá dừa (thay cho cành lá ô liu, một sáng kiến của giáo sĩ Alexandre De Rhodes), rửa chân,
rang nẻ gạo tám thơm, hái hoa xoan, nấu xôi làm con chiên, diễn tuồng
thương khó, dâng hạt, kiệu bắt, đọc đoạn, đóng đanh, tháo đanh, táng
xác, hôn chân, than mồ… Ðấy là chưa nói tới trường hợp Ngắm Thương Khó một cách trọng thể, gọi là Ngắm Dấu Ðanh, Ngắm Lễ Ðèn và Ngắm Nhân Tài vào
chiều tối Thứ Sáu Tuần Thánh. Có đầy đủ lễ bộ, chương khúc; có phụ đệm
của sênh phách, để cầm trịch thưởng phạt; có nhị, hồ, mõ, trống, chiêng,
não bạt, nghi trượng, lễ tân…, nghe cũng không kém phần dìu dặt theo
kiểu nhã nhạc cung đình. Ghi nhận lại như trên, chẳng phải vẽ vời hoa lá
cành của kẻ viết bài này đâu. Mà bức tranh đầy cảm xúc thánh thiêng này
còn thấy hiện ra ngay trong chữ nghĩa, chấm, phảy của các thư mục thuộc
dạng “bản tường trình của Dòng Tên, 1645-1653”: Thật phải ngợi khen
Thiên Chúa, khi thấy giáo dân kiên trì thức khuya để dự lễ… Họ ngâm
những bài ca rất sầu thảm bằng ngôn ngữ của họ, như muốn đổ dòng nước
mắt để rửa cho họ và dâng cho các Thiên Thần ngự ẩm…
3.
Ðến nay đã trên dưới 400 năm rồi (1651-2019), Ngắm Mười Lăm Sự Thương Khó
trước sau vẫn tồn tại nơi các cộng đoàn xứ đạo, dòng tu. Cứ coi như đây
là một trong những nỗ lực mang tính sáng tạo bước đầu để giúp tín hữu
người Việt mình thời ấy có điều kiện tiếp cận và thông dự phần nào vào
đời sống thiêng liêng của mùa Chay. Nên nhớ cho rằng buổi ấy, kinh sách
của nhà đạo mình đang ở trong tình trạng phôi thai về mặt chữ nghĩa, pha
trộn Latinh, Hán, Nôm và Quốc ngữ. Mãi đến những thập niên 1960 của thế
kỷ trước, dưới ánh sáng của Công đồng Vatican II và với kỹ thuật in ấn
hiện đại, tình trạng cũ ấy mới chuyển đổi như ta thấy ngày nay. Thật
lòng mà nói, phải tạ ơn Chúa thương. Suốt mấy trăm năm (1651-1965), Hội
Thánh Công giáo ta yêu, cứ từng bước một, lớn dần lên, vươn vai dài
rộng. Dù Hán, dù Nôm, dù Latinh, dù Quốc ngữ, ấy vậy mà cứ vang rền nền
nảy, thông giọt, bén đồng, thật hiếm thấy trên cõi đời này. Tôi muốn nói
tới kinh sách lễ nhạc của một thời đã qua, có cả những cảm xúc ở tận
đáy thẳm vô thức, vô ngôn, không lý giải minh triết được. Rất đề huề, có
nơi, có chốn hẳn hoi:
Các thầy đọc tiếng Latinh
Các cô con gái thưa kinh dịu dàng
Xét cho cùng, cả về hình thức lẫn nội dung, tuy Ngắm Mười Lăm Sự Thương Khó chỉ dừng lại ở cái ngưỡng cửa của phạm trù “lòng đạo đức dân gian”,
nhưng thật sự đã xuất phát từ lòng khát khao của tổ tiên - ông cha ta
muốn được hòa nhập vào dòng chảy chung của Giáo hội Công giáo ngay từ
buổi đầu. Vừa là lịch sử, vừa là văn hóa, ngôn ngữ, lại vừa mang dấu ấn
của đức tin, không thể xem thường. Mà đã là đức tin, là văn hóa thì
chẳng phải là chuyện muôn thuở muôn đời sao? Ai nỡ để cho gió cuốn đi?
Ngay đến vật chất phù vân, nhẹ bấc như gấm vóc, lụa là mà cũng mãi đậm
đà nhan sắc nữa mà: “Lụa không nhàu, màu không nhạt !”. Huống hồ là văn hóa, là đức tin...
Ðể khép lại câu chuyện kinh hạt nhà đạo này, chi bằng học đòi cụ Nguyễn Du mà “đốt lò hương cũ, so tơ phím này”. Và chi bằng, lặng lẽ đi tìm thời gian đã mất thôi.
Mấy trăm năm qua, bản kinh văn ấy, cách cử hành ấy, ngôn ngữ và cung
bậc ấy, tuy đôi khi có nhạt nhòa, biến tấu hoặc bị lãng quên ít nhiều,
thì xem ra vẫn còn đâu đấy, như một ký ức Ðức Tin - Văn hóa trong lòng
người con Chúa Việt Nam. Bởi vì mỗi năm, lòng ai kia như vẫn bồi hồi
bước vào mùa Chay Thánh, khi cầm đọc và ngâm nga bản kinh văn ấy trên
mặt giấy bản đã ố vàng cũ nát, mỏng tang. Trong khi ấy, ngoài kia là sân
vườn, là ngõ trúc, bờ tre và dọc đường thôn đến nhà thờ, cứ ngây ngây
mùi cốm mới ra Giêng và hoa xoan nồng nàn: loài hoa tim tím, chỉ nở đúng
một lần, vào Mùa Thương Khó. Ðã kinh qua bao thế hệ và bao
nhiêu cơn bão lũ nhiễu nhương của thời cuộc, phải chăng, cha ông ta đã
biết đạo, vào đạo, giữ đạo, sống đạo, yêu đạo và truyền đạo một cách rất
thuần thành, kiên định bằng chính hơi thở thiêng liêng, bằng chính máu
thịt, hồn cốt thoát ra từ kho tàng văn hóa phi vật thể, là Kinh Sách, Lễ Nhạc? Nếu
cơm gạo nuôi sống phần xác thì kinh hạt cũng đã thấm đẫm vào miền đất
tâm hồn, để hạt giống Lời Chúa lớn lên, sinh hoa kết trái vậy? Nói như
sử gia Tư Mã Thiên thì kinh sách là gì, nếu chẳng phải là tao phách của
tiền nhân, tiên tổ dạy dỗ và gởi gắm cho con cháu đời sau biết thế nào
là sống thuận ý trời và vừa lòng người.
Trở lại với bài báo nho nhỏ này , bản thân kẻ viết trộm nghĩ mình như
đang bơi ngược dòng sông, họa may tìm được chút gì vang bóng của một
chặng thời gian đã xa lắc xa lơ. Chẳng hiểu rồi đây, trong vòng xoáy của
tốc độ công nghiệp và đô thị hóa, hỏi chứ, gìn vàng giữ ngọc cho ai và
những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ?
Của cải mẹ cha cho, có vậy
Ðể dành, khi con lớn, con khôn
Những câu kinh sách, phiên chầu lễ
Ðã thấm vào da thịt, máu xương
Ðã nên nhân đức, nên lòng đạo
Nuôi sống cả đời con, xác hồn.
Lê Đình Bảng
Nguồn Trang mạng CGVDT