Xin cho ta đừng cứng lòng
G 38:1,12-21; Tv 139:1-3,78,9-10,13-14; Lc 10:13-16
Thánh Giêrônimô sinh năm 340 tại Stridon gần Aquila, miền tam biên giữa Dalmatia, Pannonia và Italia. Tên đầy đủ của ngài là Eusêbiô Giêrônimô Sôphrôniô. Dường như ngài thuộc một gia đình giàu có và được giáo dục đầy đủ về văn chương, theo thường lệ dành cho các thiếu niên thượng lưu thời đó.
Trước hết, ngài đã theo học tại Stridon, rồi sau đó tại Rôma với nhà văn phạm thời danh Donatô, ngài đã học để viết văn La Tinh cho tuyệt diệu tinh ròng và chính xác. Bởi đó, ngài say mê các tác phẩm cổ, sau này ngài coi chúng như một thứ cám dỗ.
Trong một bức thư gởi cho Eustochium, Ngài có kể lại một giấc mơ khi nằm tại bệnh viện Antiôkia. Trong giấc mơ, ngài thấy mình phải đến trước vị quan án. Ngài tự xưng mình là Kitô hữu, nhưng quan án trả lời:
– Ngươi không phải là Kitô hữu. Ngươi là đồ đệ Cicêrô. Kho tàng ngươi ở đâu thì lòng ngươi cũng ở đó. Mà kho tàng của ngươi là các thứ tác phẩm của Cicêrô.
Sau đó, ngài bị đánh đòn và hứa sẽ từ bỏ các tác phẩm trần tục này.
Thánh Giêrônimô được giáo dục để trở thành Kitô hữu và luôn coi trọng tôn giáo. Dầu vậy, 19 tuổi Ngài mới lãnh bí tích Rửa tội ở Rôma vào ngày Phục Sinh năm 366. Khi viếng thăm Trier, sau khi hoàn tất việc học ở Rôma, ngài hiểu biết ít nhiều về lối sống khổ hạnh, có lẽ do thánh Athanasiô bị lưu đày tới và đã quyết rằng đó là ơn gọi của ngài. Ngài gia nhập một cộng đoàn linh mục và giáo dân tại Aquileia năm 370. Cộng đoàn bị tan vỡ vì một cuộc tranh chấp nào đó.
Năm 375, Giêrônimô đi về hướng đông với mấy người bạn, tới miền tổ đời khổ hạnh Kitô giáo. Sau khi dừng lại ở Antiôkia ít lâu, ngài đến sống trong sa mạc Chalcis như một ẩn sĩ. Nơi đây, ngài “không có bè bạn nào khác ngoài bò cạp và hoang thú”. Ngài khổ cực vì bệnh tật mà nhất là các cơn cám dỗ, “Trong đầu óc tôi thường thấy mình giữa đám gái nhảy”. Và ngài khóc thương rằng: “Một người chết yểu trong xác thịt như vậy mà ngọn lửa thèm muốn còn cháy lên dữ dội”.
Để kiềm chế óc tưởng tượng, sau khi đã xử phạt xác mà không được, Ngài chú tâm học tiếng Do Thái. Như vậy, ngài đã khởi đầu công trình chính yếu trong đời làm học giả nhiệt thành giải thích Thánh Kinh.
Năm 378, ngài trở lại Antiôkia và đến với Constantinople để học Thánh Kinh với nhà thần học lừng danh là thánh Gregôriô thành Nazian. Năm 382, ngài đến Rôma và trở thành thư ký của Đức Giáo Hoàng Đamasô. Tại đây, ngài bắt đâu công trình hệ trọng về Thánh Kinh. Ngài hiệu đính các bản dịch La Tinh về Phúc Âm và Thánh Vịnh. Ngoài ra, Ngài cũng hăng hái khích lệ phong trào sống khổ hạnh giữa các phụ nữ Rôma.
Nỗ lực này đã gây nên một số chống đối của một số giáo sĩ Rôma. Chống lại, ngài đã viết những dòng sống dộng:
– “Cái gì sơn phết lên khuôn mặt người Kitô hữu. Các miếng cao dán đầy tham vọng này là dấu chỉ của đầu óc thiếu trong sạch. Làm sao có thể nói được rằng một phụ nữ khóc than tội mình mà nước mắt họ cầy luống trên cặp má tô vẽ của họ. Hạnh phúc trông đợi gì từ Thiên Đàng khi mà cầu khẩn Chúa, họ lại chường mặt ra cho đấng tạo thành không còn nhận diện được họ nữa?”.
Do những lời quở trách này mà Ngài trở nên xa lạ với dân gian. Sau cái chết của thánh Đamasô, ngài lại lui về phương đông (năm 348).
Một nhóm phụ nữ đã sống dưới sự hướng dẫn của ngài và đã theo ngài, đứng đầu là thánh nữ Paula với con ngài là thánh nữ Eustochium. Họ lập thành một nhóm các tu viện gần đại giáo đường Giáng Sinh tại Bêlem. Tại đây, thánh Giêrônimô đã trải qua những ngày an bình hạnh phúc cuối đời, ngài cũng dự phần vào nhiều cuộc tranh luận dữ dội. Một trong các cuộc tranh luận ấy là cuộc tranh luận giáo thuyết của Origen. Nhưng công cuộc lớn lao nhất của đời ngài chính là công cuộc ngài đã chuẩn bị từ sa mạc Chalcis, đã khởi sự từ Rôma, công cuộc phiên dịch Thánh Kinh ra tiếng La Tinh. Dựa vào công trình này mà thế giá ngài tồn tại mãi trong Giáo Hội Công giáo, cũng như sự thánh thiện của ngài có được một bằng chứng hùng hồn.
Toàn bộ Thánh Kinh bằng tiếng La Tinh, gọi là bản phổ thông đều được thánh Giêrônimô phiên dịch hay nhuận đính trừ các sách: Khôn Ngoan, Huấn Ca, Baruch và hai sách Macabê. Ngài thực hiện bản dịch thứ hai tại Rôma. Chính bản dịch thứ hai này nằm trong bản dịch Thánh Kinh phổ thông và được Giáo Hội dùng trong phụng vụ giờ kinh.
Thánh Giêrônimô qua đời bình an tại Bêlem ngày 30 tháng 9 năm 420. Thánh Paula và Eustochium đã chết trước ngài. Thi thể ngài được chôn cất với họ trong nhà thờ Giáng Sinh, nhưng sau này được đưa về Rôma và nay đang được chôn cất tại đền thờ Đức Bà Cả.
Ðức Giáo Hoàng Bonifaciô VII suy tôn ngài lên bậc Tiến sĩ Hội Thánh.
Ta thường nghĩ rằng đối nghịch với yêu là ghét. Nhưng kỳ thực còn hơn thế nữa; dửng dưng, lãnh đạm, không quan tâm đã là thù ghét, là đối nghịch với yêu rồi. Khi không yêu thích thì người hay vật dù có đó ngay trước mắt ta mà vẫn như không có, chẳng lọt được vào “mắt xanh” của ta. Khi không còn yêu nhau, người ta không còn quan tâm đến sự hiện diện của nhau, không còn nhạy bén với nhu cầu của nhau nữa. Đức Giê-su nói rằng khốn cho các thành ven bờ hồ Ga-li-lê không phải vì họ ghét Chúa, xua đuổi Ngài, mà vì thái độ dửng dưng, thờ ơ với Tin Mừng. Đối với họ, lời rao giảng, phép lạ Ngài làm lôi cuốn thật đấy, kỳ diệu thật đấy, nhưng chẳng chút gì liên quan đến họ. Họ cảm thấy không cần hoán cải, thay đổi đời sống, vì họ không chú ý đến Ngài.
Trong Tin Mừng hôm nay, theo truyền thống các tiên tri Cựu Ước, Chúa Giêsu cũng nêu đích danh ba thành phố có nếp sống sa đọa nằm dọc theo bờ hồ, đó là Cozazin, Betsaiđa và Capharnaum. Những tiện nghi vật chất khiến con người dễ trở thành câm điếc trước Lời Chúa. Con người được tạo dựng không phải để sống đơn độc một mình, do đó, cô đơn vốn là điều con người sợ nhất, thành ra đi vào quan hệ với người khác là một trong những nhu cầu cơ bản nhất của con người. Cuộc sống đô thị với nếp sống ồn ào náo nhiệt của nó dễ tạo cho con người cái cảm tưởng rằng ở đó họ dễ đi vào quan hệ với người đồng loại.
Tuy nhiên, như thực tế cho thấy, cuộc sống càng xô bồ, con người càng dễ rơi vào cô đơn. Kinh Thánh không ngừng nhắc nhở con người rằng chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể mang lại bí quyết cho sự thông hiệp đích thực của con người, nghĩa là giúp cho con người ra khỏi nỗi cô đơn của mình; bí quyết đó chính là Lời của Ngài. Thật thế, khi con người sống kết hiệp với Chúa, thì dù có sống một mình, nó cũng sẽ không cảm thấy cô đơn; lại nữa, khi sống kết hiệp với Chúa, con người sẽ cảm thấy được thúc đẩy để đến với anh em của mình. Con người không thể kết hiệp với Chúa mà có thể khước từ người anh em của mình, và ngược lại, bất cứ một quan hệ chân thành nào với người anh em, cũng luôn gia tăng sự kết hiệp con người với Thiên Chúa.
Dù muốn hay không, những thay đổi trong cuộc sống do kinh tế thị trường mang lại không thể không ảnh hưởng đến cuộc sống đức tin của người Kitô hữu. Thật ra, cuộc sống đức tin không phải là một sinh hoạt phụ trong cuộc sống chúng ta; đức tin phải là chiều kích bao trùm toàn bộ cuộc sống của chúng ta: chúng ta là Kitô hữu trong mọi nơi, mọi lúc, mọi sinh hoạt, mọi hoàn cảnh. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đề cao cảnh giác trước nguy cơ có thể tách biệt niềm tin với những sinh hoạt hàng ngày và dần dà đẩy niềm tin ra bên lề cuộc sống. Niềm tin ấy có lẽ chỉ còn là Thánh Lễ Chúa Nhật, một vài sinh hoạt trong khuôn viên giáo đường, một số kinh kệ trong gia đình, chứ không ăn nhập gì đến cuộc sống mỗi ngày; niềm tin ấy có lẽ chỉ còn là một món đồ trang điểm cho cuộc sống và cần thiết cho một số dịp nào đó trong năm, chứ không liên hệ gì đến đòi hỏi công bằng bác ái, liên đới mà chúng ta phải thực thi hằng ngày.
Chúa Giêsu đến trần gian để cứu độ mọi người. Trước sự cứng lòng tin của một số dân thành đã từng chứng kiến phép lạ Chúa làm mà không tin, Chúa Giêsu dùng những lời lẽ than trách, khuyến cáo họ. Dầu vậy, Chúa không trừng phạt những kẻ lãnh đạm, cố chấp không đón nhận Tin Mừng, nhưng mời gọi, khuyến cáo họ nghe lời Chúa mà ăn năn trở lại. Chúng ta cần khoan dung với kẻ ác, nhẫn nại với người cứng lòng, để tình yêu của Chúa được biểu lộ qua chúng ta, có sức lôi cuốn tội nhân hoán cải.
Hôm nay cũng là ngày chúng ta kính nhớ thánh Giêrônimô - một thầy dạy
Thánh Kinh. Nhờ những nỗ lực và công khó của ngài mà chúng ta có được
toàn bộ những giáo huấn quan trọng của Chúa Giêsu. Nhờ đó mà chúng ta có
thể tìm ra con đường chân lý, con đường đưa đến hạnh phúc trọn đầy.
Chúng ta hãy luôn khắc ghi lời dạy của thánh nhân: “không biết Thánh
Kinh là không biết Chúa Kitô”. Và ước chi lời nhắc nhở này luôn được
chúng ta thực thi mỗi ngày trong cuộc sống qua việc chuyên cần và chăm
chỉ đọc Thánh Kinh. Chắc chắn Chúa sẽ giúp chúng ta sống tốt vai trò của
người môn đệ Chúa.
-----------------------
KD