NÓI CHUYỆN ĂN CHAY… KIÊNG THỊT.
Từ chuyện ăn chay.. giữ chay…
Tháng giêng ăn Tết ở nhà
Tháng hai ngắm đứng, tháng ba ra mùa
…Trở về Một, Chạp sang mùa ăn chay…
Chỉ cần đọc lại mấy câu vè trên đây, đã thấy Ăn hơi bị nhiều! Nghe, nhìn, suy gẫm và sống gần trọn đời người, tôi có cảm tưởng, hình như người Việt mình rất trọng thị việc ăn uống thì phải? Ăn vừa để sống, lại vừa để thể hiện một cung cách, một văn hóa, văn hóa ẩm thực. Nói cho có vẻ chữ nghĩa thánh hiền thì không ăn không thành chuyện, phi thực bất thành sự, phi thực bất thành lễ. Chẳng thế mà ngày xưa, các cụ ta đã chẳng dạy con cháu phải học ăn, học nói, học gói, học mở và ăn trông nồi ngồi trông hướng, ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau là gì? Ăn không đúng quy cách, không biết giá trị của ngon vật lạ, là y như bị xếp vào loại phàm phu tục tử “thực bất tri kỳ vị” . Rõ ràng chuyện ăn uống của người mình nhiêu khê, phức tạp thật. Ai bảo dân ta nghèo là lầm to. Nghèo gì mà lúc nào cũng bày ra cỗ bàn, đám xá, tiệc tùng. Nghèo gì mà lấy bữa ăn để xác định dấu mốc thời gian: Bữa nay, bữa mai, bữa mốt, dăm bữa nửa tháng…..? Chả cần tra cứu từ điển, cũng thấy được cái thế giới ngồn ngộn ngôn ngữ của “Ăn” . Lễ lạc hiếu hỷ thì có ăn hỏi, ăn cưới, ăn sinh nhật, ăn đầy tháng, ăn thôi nôi, ăn đám, ăn giỗ, ăn chạp, ăn mừng, ăn khao, ăn vọng, ăn Tết. Đấy là ăn ngon, ăn sạch, ăn có vệ sinh, ăn phú quý sinh lẽ nghĩa. Còn ăn bẩn, ăn dơ là chuyện dài nhiều tập: Ăn bám, ăn báo, ăn bòn, ăn bớt, ăn theo, ăn thua, ăn gian, ăn tham, ăn chơi, ăn hại, ăn đong, ăn đầu, ăn đuôi, ăn vạ, ăn vặt, ăn vụng, ăn mót, ăn nhờ, ăn rỗi, ăn xổi. Nghiêm trọng hơn là ăn quỵt, ăn chịu, ăn cắp, ăn cướp, ăn trộm, ăn tục, ăn chực, ăn rình, ăn chặn, ăn sương, để rồi cuối cùng không còn ăn giả bữa và ăn dối già được thì chỉ còn biết ăn xin, ăn mày và ăn đất nữa là xong chuyện.
Trăm dâu đổ đầu tằm. Chỉ vì cái miệng, cái miếng ăn, vì làm tôi cái bụng mà sinh ra muôn vàn giống tội, chiến tranh, xung đột. Mà muốn bớt tội, khỏi tội và lập công lập đức chi bằng ăn chay, hãm mình, phạt xác. Tôn giáo nào mà chả dạy điều đó cơ chứ. Theo Phật Giáo Đại Thừa, CHAY là cách đọc trại từ TRAI, có nghĩa là giữ lòng mình trong sạch, không vọng động bất chính. Ngoại trừ các tu sĩ phải ăn chay suốt đời theo giới luật và một số ít người phát nguyện trường trai (chay trường) còn phần đông chỉ giữ luật “thọ trai” từ 02 đến 10 ngày/tháng. Ăn chay không dùng thực phẩm có nguồn gốc động vật, như thịt, cá, trứng: kể cả những rau củ có tác dụng kích dục như tỏi, hành, kiệu, tiêu. ớt. Chắc ăn nhất là “Thí phát quy y”:
Chuyến này ta quyết đi tu
Ăn chay, nằm đất, ở Chùa lập công.
Đạo Hồi có cả một tháng chay Ramađan, xê dịch từ khoảng tháng 11 đến tháng 01 đương lịch mỗi năm. Trong suốt tháng Ramađan – từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn- người hỒi Giáo không được ăn, uống, hút thuốc, và quan hệ tình dục. Ăn chay của Đạo Hồi còn kèm theo việc cầu nguyện bằng cách đọc kinh Coran 05 lần/ngày và tuân theo một kỷ luật tự mình đặt ra, như bố thí, cứu thực kẻ đói nghèo, trích 1/10 từ nguồn thu nhập của mình.
Riêng đối với người Công Giáo, ăn chay là để tự chế, hy sinh, hãm mình, sám hối, thanh tẩy. Hơn thế, còn là thông phần với cuộc khổ nạn của Đức Ki-tô, để đền tội và hướng đến ơn cứu độ toàn vẹn là sự phục sinh cả hồn lẫn xác.
Như vậy, luật ăn chay nói chung trong các tôn giáo là điều nghiêm túc, không thể suy diễn theo ý riêng của mình. Nó nặng hay nhẹ là tùy vào sự thành tâm, giác ngộ với thiện nguyện của mỗi người.
… Chuyện kiêng thịt…
Về mặt tự nhiên, ăn chay thường đi đôi với kiêng thịt. Chuyện này cũng rắc rối lắm. Bởi mỗi người mỗi lý đoán và mỗi nơi một luật lệ rộng hẹp khác nhau, nên mới sinh chuyện rày rà, khó ăn khó nói. Nghe đâu, chỉ cách nhau có con sông Đồng Nai mà một bên lở , một bên bồi ?! Ai lại như ông bạn Hố Nai của tôi, thứ sáu tuần nào cũng lặn lội về Sài Gòn, tiếng là thăm bà con, thực ra để “trốn kiêng thịt” , đánh chén no say một bữa rượu thịt, xế chiều lại qua sông về nhà. Chuyện hồi bé bây giờ mới kể: có anh bợm nhậu nhà quê kia đuổi con vịt xuống ao, rồi bắt lên nấu nước làm thịt. Bảo đấy là con vật sống dưới nước thì hết chỗ nói rồi còn gì ! Dĩ nhiên trên đây chỉ là những chuyện phịa, kể ra cho vui thôi.
Chẳng biết bên Tây bên Mỹ thế nào, chứ ở Việt Nam ta, việc kiêng cữ các điều khoản trong mùa chay ngặt lắm. Kinh sách, lời khôn ngoan của các Đấng bậc đã dạy còn rành rành ra đấy. Từ Phép Giảng Tám Ngày, Thánh Giáo Yếu Lý cho đến Sách Bổn Đồng Ấu, Toàn Niên Kinh Nguyện. Đến nay, tôi còn nhớ rõ “lời bảo” trong sách mục lục: “Giáo nhơn phải làm việc lành phước đức như hãm mình, đánh tội, ăn chay, kiêng thịt, đọc kinh cho đặng thông công cùng Hội Thánh, nhắc lại sự Đức Chúa Giêsu chịu nạn chịu chết mà chuộc tội cho thiên hạ và trông Chúa Phục Sinh”.Nói việc ăn chay kiêng thịt ngặt lắm, là vì Hội Thánh đã dạy có sáu điều răn: “Thứ năm, giữ chay các ngày Hội Thánh buộc” và “Thứ sáu, kiêng thịt ngày thứ sáu (hàng tuần) cùng các ngày khác Hội Thánh dạy”. Đọc lại sách vở cũ ở thế kỷ XVI, XVII, ta thấy việc ăn chay kiêng thịt được các cộng đoàn thuở ấy tuân thủ một cách chặt chẽ, như Cha Đắc Lộ mô tả sau đây: “Lòng nhiệt thành và sốt sắng của giáo dân lên rất cao, đặc biệt đối với các Bí Tích giải tội và Rước Lễ…. Họ rất ân cần chuyên chú làm việc này và sửa soạn tâm hồn rất kỹ lưỡng, đến nỗi nếu có khiển trách họ về một lỗi nào đó dù không trầm trọng hay đáng phạt, ví như họ đã quên sót hay nhỡ ăn thịt ngày thứ sáu thì họ chẳng dám đi ngủ, trước khi xưng tội.” (Lịch sử vương quốc đàng ngoài trang 159) Đặc biệt trong mùa chay thánh, vẫn theo Cha Đắc Lộ, “Người ta giữ chay rất sốt sắng. Đối với người Đàng Ngoài thì việc ấy chẳng khó khăn gì. Chúng tôi biết rõ người lương dân cũng giữ chay rất ngặt. Họ không những kiêng thịt và trứng, lại kiêng cả sữa, thậm chí họ nghĩ rằng mình đã phạm tội khi giết một con vật… Dù biết Giáo Hội không bắt giữ chay nghiêm khắc như trên, song tất cả những người được phép chuẩn cũng đều giữ luật chay rất sốt sắng trong suốt mùa Chay”(Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài trang 130). Thật tình mà nói, theo Cụ Phan Kế Bính, sở dĩ dân ta ăn chay – giữ chay dễ dàng như trên là vì có phong lưu lắm mới ăn đến thịt, cá, giò chả: Còn phần lớn chỉ ăn cua, ốc, tôm, tép, đậu phụ, họa hoằn mới có miếng thịt miếng cá. Lấy tình cảnh nhà nghèo của bố mẹ tôi làm ví dụ, quanh năm ở đồng trũng đồng chiêm, chỉ tương cà, mắm muối, dưa khoai, trưa rau muống luộc, chiều luộc rau muống ! Luật cũ bảo kiêng thịt các ngày thứ sáu quanh năm: Luật mới dạy chỉ còn hai ngày thứ tư lễ Tro và thứ sáu Tuần Thánh. Nhẹ nhàng như một trò chơi. Không hiểu sao, người ta lại có nhiều ngụy biện?! Tại sao lại quanh co? Tại sao lại quá chăm lo cho cái miệng và cái bụng thế nhỉ ?!
Nói tới mùa Chay là nói tới tuần Đại Phúc, đón cha khách ở xứ xa về giảng phòng, giải tội, làm lễ. Nghĩa là lo liệu cái phần linh hồn. Mọi người gác bỏ mọi chuyện đồng áng, chợ búa, nhà cửa để dọn mình vào mùa. Tuần Đại Phúc ở quê tôi ngày ấy đông vui như hội. Trong khi ông Chánh, ông Trùm sửa sang nhà thờ, nhà xứ, nhà phòng và các Bà quản, đoàn hội lo kinh sách…. Thì bọn trai tráng, thiếu nữ và trẻ con chúng tôi cờ quạt lăng xăng đi rước Cha về. Tâm lý người mình rất dễ thương, “hễ vắng Cha là xa Chúa”, là khô khan, nguội lạnh ngay. Về làm phúc, cho lễ, bỏ lễ, nằm trên cáng trải chiếu bọc vải điều, trông Cha oai phong lẫm liệt như quan lớn vinh quy bái tổ vậy. Lần nào cũng thế, bố tôi được chọn nấu cơm hầu cha. Thế là cả tháng ròng, cơm trắng cá tươi, dù chỉ được ăn sái, thấy tôi ai cũng bảo béo tốt, mỡ màng hẳn ra. Tạ ơn Chúa. Lúc ấy trí khôn còn tù mù, ngây ngô lắm, tôi đâu có hiểu cái ý nghĩa thâm sâu và hấp dẫn của “ngày thứ ba béo –LeMardi Gras” của người phương Tây là gì. Thì ra, kim cổ, Đông Tây có gì khác nhau đâu ! Của đáng tội, hễ cứ đến ngày ăn chay kiêng thịt – đặc biệt thứ tư lễ Tro và thứ sáu Tuần Thánh – là thèm thuồng đủ thứ, bụng đói sớm. Thấy bếp nhà ai lên khói sớm, lòng dạ cứ nao nao như nhớ người yêu, người tình. Đi qua hàng quán, ngửi mùi chiên chiên xào xào là nước miếng ở đâu cứ trào ra như vỡ đê. Chẳng thế mà Nhà Chùa đã có câu: “Quấy như quỷ quấy nhà Chay !” Còn mẹ tôi thì bảo: chước mốc ma quỷ nó cám dỗ. Bởi ăn ngọn rau, quả cà, tí mắm, vẫn ngon miệng. Trời còn tiết xuân se lạnh, mẹ nấu cơm, rang vừng: con cái chực sẵn quanh cái cối đá. Cơm nóng giã với muối vừng, chia từng nắm, ăn tới đâu, nghe ngọt tới đấy. Của không ngon, nhà khó cũng ngon.
… Đến rước lá… Kiệu lá.
Ôi con cái thế gian mưu sâu kế dài thật. Họ đã khổ công để nghĩ ra các món ăn chay cho khoái khẩu. Rước Lá – Kiệu Lá ,-một thuật ngữ của món ăn gỏi cá ở Bắc Bộ - đã ra đời trong tình huống cùng biến tắc thông diệu kỳ ấy ! Bắt chước tổ sư ăn uống – Ông Thi sĩ Tản Đà -, các Cụ nhà ta phán rằng ăn uống phải hợp thời tiết khí hậu thủy văn: “Nắng gỏi trưa, mưa thịt chó!” Một khi đã “kiêng thịt cầy” thì phải “bày ra gỏi cá” Thế là động thổ động thớt nhà trên nhà dưới đại sự ngay. Cả làng, cả họ hò nhau oi ới tát ao đánh cá. Thôi thì trắm, trôi, mè, chép, diếc… được dịp “vượt vũ môn” không phải để hóa rồng, mà để trở thành món ăn chơi đãi đằng bù khú. Cỗ bàn dọn lên những lát cá tươi rói, đỏ au, giữa rừng hương thơm nồng của hành, tỏi, chanh ớt, riềng, mè, mắm, thính, vừng, lạc, và dĩ nhiên còn có cả một mâm đầy có ngọn, những rau quả xanh non mới hái ngoài vườn: nào mùi ta, mùi tàu, thì là, kinh giới, tía tô, rau răm, húng chũi, húng chanh, húng quế; nào các thứ lá: mơ tam thể, sắn, sung, đài bi, đinh lăng, xoài, mít….. Đúng là bữa tiệc Hoa Quả Sơn trong truyện Tây Du Ký. Chén chú chén anh với vài cút rượu nữa là tới bến qua phà, mát trời ông địa ngay. Ăn chay kiêng thịt kiểu này ai mà chả ham, sướng hơn tiên, sơn hào hải vị hơn cả yến tiệc của Tần Thủy Hoàng và Từ Hy Thái Hậu nữa. Còn ở Nam Bộ, nghe đâu, có lẽ cũng vì dân Sài Gòn ta “ăn nhậu thì nhiều” chứ “ở có nhiêu đâu” , nên Đức Thầy Dumortier (16/06/1934) mới phải viết lại “tờ chỉ” hàng mấy chục câu vè lục bát. Kê toa 42 loài chim lưỡng tính được phép ăn trong ngày Chay Kiêng Thịt:
Đặt ra một bổn như vầy
Những ngày kiêng thịt, chim này nên ăn….
Cũng may, buổi ấy chưa phải là thời ăn nên làm ra của những làng nướng như bây giờ. Bằng không thì các loài chim sẽ có nguy cơ tuyệt chủng !
Nói đến gỏi cá mà không nhắc gì đến Chả Cá Lã Vọng – Hà Nội là một thiếu sót không tha thứ được. Chả Cá Lã Vọng, một thơng hiệu văn hóa lẫy lừng của đất Hà Thành ngàn năm văn vật. Nó đã đi vào tác phẩm của những cây đa cây đề - giới văn nghệ sĩ như: Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Bằng, Văn Cao, Bùi Xuân Phái, Trịnh Công Sơn, và nhiều thế hệ đã kinh qua, gửi gắm.
Mười năm trở lại đây, mỗi lần có việc ra Bắc về quê, thế nào tôi cũng cố gắng tranh thủ ghé lại Hà Nội ít ngày, cốt để hưởng lấy cái phong vị ngây ngây khó tả khi thời tiết sang mùa. Vẫn biết ăn Bắc, mặc Kinh và Hà Nội thiếu gì của ngon vật lạ. Từ Phở, bún riêu, bánh cuốn, miến ngan, tiết canh lòng lợn cho đến xôi vò, cơm lam, cốm vòng. Nhưng khoái khẩu nhất vẫn là món Chả Cá Lã Vọng. Lạ lùng thay, cả quán và phố cùng mang tên Lã Vọng. Thoạt nhìn, cái gì cũng xập xệ, cũ kỹ, nom chẳng bắt mắt tí nào. Ấy vậy mà khách Tây khách Ta, em đầm em mít cứ tầm trưa chiều là đông nghịt, rồng rắn. Vừa ăn vừa khoe xe cộ, điện thoại di động đời mới, áo váy thời trang hàng hiệu. Nghe bà chủ quán Ngô Thị Tình, Chả Cá Lã Vọng đã có bề dày lịch sử 106 năm. Hình như người ta đã chán chê những fastfood, hambuger, Mc Donald để hành trình về Phương Đông rồi đấy. 1000 PLACES TO SEE BEFORE YOU DIE là tên một quyển sách best-seller của cô nàng nhà báo Patricia Schultz (NXB Workma, NY, USA 2003) vừa ra mắt. Sách liệt kê tất cả những nơi tác giả đã từng đặt chân đến với tư cách là người viết chuyên mục hướng dẫn du lịch. Hầu hết các địa điểm được nhắc đến là những khách sạn 5 sao sang trọng bậc nhất thế giới, những kỳ quan của những nền văn minh nhân loại, những khu giải trí hấp dẫn bên bờ biển thơ mộng… Nhưng bên cạnh đó có một cái tên bình dị: Chả Cá Lã Vọng ở Hà Nội. Ngay sau khi sách phát hành, nhiều hãng thông tấn báo chí như BBC, MSNBC đã có bài giới thiệu cuốn sách, riêng MSNBC còn chọn ra “10 nơi cần thấy trước khi chết”. Như vậy, người ta ghiền Chả Cá Lã Vọng, không những ở nguyên liệu hàng đặt ở xa về: rau ở Láng, mắm tôm ở Thanh Hóa, bún Thanh Trì, cá lăng đánh bắt ở đầu nguồn nước; mà còn ở những công đoạn dao thớt, chế biến, gia giảm, bếp núc, củi lửa, bày biện, chào mời sao cho ngon miệng, vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi. Người ta ghiền Chả Cá Lã Vọng không chỉ vì hương vị đặc thù của nó, mà còn ghiền cả cái không khí bảng lảng của hàng quán theo kiều Ô Y Hạng trong truyện Tàu của Phố Cổ Hà Nội. Một cái thú xem ra rất lạ, ghiền một chỗ ngồi, hệt như gã đàn ông ngồi thiền trước ly cà phê ngút khói mỗi sớm mai nơi một quán cóc đầu hẻm vô danh ở cái dất Sài Gòn mông mênh, hào hiệp này.
Và…. Công nghệ Chay thời đại.
Ăn chay ngày nay bỗng dưng trở thành cái mốt thời thượng. Nhân danh y học, người ta sợ béo phì, tiểu đường, huyết áp cao, xơ vữa động mạch, thống phong, nhũn não, SAR, HIV như sợ ma quỷ vậy. Nôm na là sợ chết đấy thôi. Ấy vậy cho nên, khi các loại thực phẩm chay công nghiệp hóa từ Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore bắt đầu ồ ạt đổ bộ vào Việt Nam thì các tiệm cơm chay cũng nở rộ như nấm sau mưa. Khác với những món đơn điệu nhạt phèo của thực đơn chay truyền thống, chay bây giờ hiện đại lắm, đạt tiêu chuẩn ISO. Nào Bò bít tết, gà tiềm thuốc bắc, gà rút xương, lạp xưởng, nem nướng, giò lụa, chả quế. Nào há cảo, hoành thánh, xá xíu, phá lấu…Chay. Ôi thôi, ăn mặn làm sao thì ăn chay làm vậy, chả thiếu món gì. Nó đáp ứng được cái nhu cầu chung về sự ăn chay của các tôn giáo giữa một thời đại kiêng khem, sợ chết, mà vẫn phong lưu, sang trọng. Tôi nhớ trong cuộc hội thảo khoa học về Bản sắc Văn hóa Dân tộc – hoạt động chào mừng hội nghị cấp cao các nước có sử dụng tiếng Pháp (Francophone), I/1988 tại Hà nội – nhà nghiên cứu Hữu Ngọc đã trình bày tham luận về đề tài “cơm chay Việt Nam”, như một cách tiếp thị đối với du khách đến Việt Nam.
Để làm quen và chào làng, xin mời bạn đọc rảo một vòng quanh các điểm bán cơm chay mà coi. Mặc dù Cố Đô Huế vẫn được coi là “thủ phủ Phật Giáo”, song rất ít món chay: Hoặc có mà lại thường ế ẩm, vắng khách. Tôi nghĩ, người Huế không thích ồn ào, lộ diện. Sinh hoạt nào của họ cũng chỉ be bé, tầm tầm, kín đáo. Có lẽ cơm chay cũng lại chỉ tìm thấy trong Chùa, trong khuân và trong nhà vườn hoặc tư gia thôi. Riêng ở Sài Gòn, vùng đất được người đời ca ngợi là “Việt Nam chỉ có Sài Gòn là vui”, nếu thống kê đầy đủ các quận huyện, dễ đến cả trăm tiệm, quán, sạp, quầy và nhà hàng to đùng kinh doanh sản xuất đồ Chay. Thường thì những quán Chay mang những cái tên rất nhà Chùa, lòng vòng gần Chùa để phục vụ bá tánh sau khi hương khói lễ Phật về. Ở đây, người ta không thể ca mãi bài ca “ăn quận 5 nằm quận 3, nhà quận I, trấn lột quận 4 và vô tư Phú Nhuận” nữa. Một vòng những điểm “vừa bán vừa la cũng đắt hàng” là quán Thuyền Viên (11-13 Nguyễn Văn Đậu). Có mấy quán Chay cắm chốt ở gần Thiền Viện Vạn Hạnh; Thanh Phương, Phước Huệ, Duyên. Quận Bình Thạnh có hai quán đều mang tên Thiên Nhiên. Quận 1 và quận 3 mọc lên các quán chay tua tủa như mai đào gặp tiết xuân. Theo dân sành điệu thì nhà hàng Tín Nghĩa (9 Trần Hưng Đạo A) là hiệu cơm Chay có quy mô nhất, ra đời sớm nhất ; Định Ý (171B Cống Quỳnh) nấu cơm Chay ăn tháng, làm cỗ tiệc Chay; Nhà Hàng Giác Đức (492 Nguyễn Đình Chiểu Q 3) với 40 món Chay, thu hút du khách nước ngoài, nhờ chủ quán là một Ni-cô vừa thông thạo Anh-Pháp, lại vừa duyên dáng, đon đả chào mời. Xuống Vương quốc Chợ Lớn của người Hoa (Q 5, Q 6, Q 11), sẽ gặp hàng loạt những hàng quán chay: Bồ Đề Duyên, Phật Hữu Duyên, Lạc Thiện, Tịnh Ánh Duyên…. Lòng vòng các chợ, chợ nào cũng có các sạp bán đồ Chay, từ chợ Bến Thành, tân Định, Bình Tây, Xã Tây, An Đông cho đến Đakao, Bà Chiều, Phạm Văn Hai, Hạnh Thông tây…. Ngay cả đêm hôm khuya lắc khuya lơ, nhỡ đường, nhỡ bữa, cứ tìm đến cái ngõ hẻm cạnh Chùa Vĩnh Nghiêm có bán các thứ ăn Chay về khuya, từ 21 giờ tới sáng, ê hề chủng loại. Nào Tương xào xì dầu, bánh cuốn, bánh canh, bún thang, bún mọc, bánh giò. Nào Hủ tíu bánh bao, mì xào dòn, súp măng cua. Nào cơm gà cá gỏi, cơm sườn, thịt nướng…. Chay thơm phức. Đến nước này thì đành chào thua. Rõ ràng ăn chay kiêng thịt đang trở thành địa chỉ đỏ, hấp dẫn mời mọc. Đúng là một thế giới thức ăn thuần thực vật – Vegeterian food chế biến từ rau quả, bắp chuối, củ cải, củ sắn, nấm rơm, bánh mì, đậu xanh, đậu nành, trái Sakê…… Nằm trên con phố Đồng Khánh, một china Town của Sài Gòn, có nhà hàng Embassy cũng dành hẳn một khu chuyên doanh các thức ăn chay cho tài phú, xì thẩu, á xầm, á muối…..
Kết Luận.
Thôi, chuyện đã dài, xin được phép ngừng lại để mọi người cầm lòng cầm trí bước vào cùa Chay Thánh. Kể lại dăm ba chuyện cũ mới trên đây, nhiều người thấy lạ tai, tưởng như là chuyện cổ tích hoang đường. Thật ra, còn nhiều điều ngộ nghĩnh và lý thú hơn thế. Và cũng còn cả mấy cái “ngày thứ Ba Béo” nữa. Tự dưng tôi nhớ những ngày tháng tuổi thơ êm đềm ở xứ đạo làng quê xưa. Sao nó thánh thiện và lãng mạn quá. Nhớ Thứ Tư Lễ Tro. Nhớ cơm nắm muối vừng. Nhớ mùi hoa xoan thoang thoảng ngoài hè. Nhớ ngắm đứng, dâng hạt mùa thương khó. Nhớ may túi ba gang đựng đầy hạt nẻ mỗi khi lên hôn chân Chúa….
Ăn chay kiêng thịt, dù hiểu theo cái nghĩa nào, mãi mãi vẫn là một giới luật, một ký ức văn hóa đức tin của người Công Giáo. Đức Phật dạy: “Duy tuệ - thị nghiệp”. Cụ Nguyễn Duy bảo “Thiện căn ở tại lòng ta”. Và Kinh Thánh nhắn nhủ: “Hãy xé lòng, đừng xé áo !” Có nghĩa là tự xóa, tự kềm chế, tự vượt thoát ra khỏi vòng hệ lụy đắm đuối của xác thân, của những cửa ngõ sinh dịp tội. Để chắp cánh bay lên, thăng hoa, miên viễn. Để đi trên con đường khổ giá, qua cửa hẹp, vào nơi vĩnh hằng.
Lê Đình Bảng
(trích Ở thượng nguồn thi ca công giáo-Miền thơ trong kinh nguyện trang 443-453)